Chị Hoàng Thị Hân, ở trọ khu vực Ngã Tư Sở cho biết hai vợ chồng chị thu nhập chỉ vẻn vẹn 7 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó tiền thuê nhà, điện nước đã ngót 2 triệu, tiền gửi con hơn 1 triệu nên số tiền để sinh hoạt không còn bao nhiêu.
"Phương châm của mình là thường xuyên dùng hàng 'xách tay' từ quê lên. Ở quê mình, đồ hải sản rất tươi ngon và tương đối rẻ nên thỉnh thoảng lại nhờ bà nội gửi xe khách một thùng. Không ăn hết ngay có thể để tủ lạnh hoặc bán lại cho một số người có nhu cầu", chị Hân tiết lộ.
Bên cạnh đó, chị Hân cũng cho biết, để tiết kiệm chi tiêu, mỗi tuần chị cố gắng đi chợ đầu mối 2-3 lần. "Chịu khó đi lúc khoảng 5 giờ đến 5 giờ 30 phút là lúc sắp hết chợ nên rất dễ mua, giá cả rẻ bằng nửa các chợ khác", chị Hân cho hay.
Cũng với phương châm như chị Hân, chị Nguyễn Thu Hường, Mai Dịch, Cầu Giấy Hà Nội cho biết, nhờ chăm chỉ dậy sớm đi chợ đầu mối mà mỗi ngày tiền thức ăn cho gia đình rẻ được một nửa.
"Tính ra trước đây mỗi ngày tiền thức ăn của nhà mình phải hết 100.000 đến 120.000 đồng thì giờ chỉ tầm 60.000 -70.000 đồng. Hôm nào ăn sang hơn một chút thì mới vượt ngưỡng lên 100.000 đồng là gồm cả tiền hoa quả tráng miệng", chị Hường tính.
Chị Hường cũng chia sẻ, bên cạnh tiết kiệm các khoản thực phẩm, 2 tháng nay chị đã chuyển sang đi xe buýt để đến công ty. Nhờ đó, tháng vừa rồi gia đình chị Hường tiết kiệm được trên dưới 1 triệu đồng tiền tiền thực phẩm và mấy trăm nghìn tiền xăng xe.
"Số tiền dư đó, mình bỏ lợn tiết kiệm để cuối năm chi tiêu nhiều chắc chắn sẽ cần đến. Năm nay công ty làm ăn khó khăn nên chắc cũng không hi vọng có tiền thưởng Tết", chị Hường chia sẻ.
Bên cạnh việc giảm các chi tiêu, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tú, Thanh Nhàn, Hà Nội còn gia tăng thu nhập bằng cách làm thêm ngoài giờ. Ngoài việc ở trường và dạy thêm một số buổi tối, chị Trần Hải Duyên vợ anh Tú còn kinh doanh thêm mặt hàng nhân sâm Hàn Quốc. Anh Tú làm về xây dựng, công ty nhiều tháng nay không có việc, chậm lương nên ban ngày anh tranh thủ lúc rỗi đi làm shiper hàng hóa cho một số shop bán hàng online. Còn ban đêm anh làm nhân viên giao nhận hàng cho một công ty chuyển phát nhanh...
Chị Đỗ Phương Thúy, Linh Đàm, Hà Nội lại có một "kế sách" nữa để giúp gia đình chị thu hẹp các khoản chi tiêu đó là gia tăng thanh lý đồ cũ không sử dụng trong nhà. "Trước đây những đồ không dùng trong nhà như quần áo, xoong nồi... mình thường cho đi nhưng bây giờ dù được ít tiền cũng thanh lý để thêm tiền mua những đồ dùng khác", chị này chia sẻ.
Chị Thúy cũng cho biết trước khi cần mua đồ dùng gì cho gia đình chị thường dành thời gian để tìm hiểu xem ai có nhu cầu thanh lý lại để mua. "Mình vừa mua một chiếc xe đẩy thanh lý cho con dùng, giá chỉ bằng một phần ba chiếc xe mới ở cửa hàng. Tuy nó không mới nhưng vẫn dùng rất tốt. Dùng xong nếu xe chưa hỏng mình cũng có thể đem thanh lý lại", chị Thúy cho hay.
Ngoài việc cắt giảm chi tiêu trong gia đình, chị Đặng Thu Tâm, Láng Hạ, Ba Đình cho biết phải hạn chế tối đa các khoản shopping, mua sắm và ăn uống bên ngoài. "Bây giờ mỗi khi có ý định mua một đồ gì đó như quần áo, mỹ phẩm hay nước hoa mình thường kéo dài thêm một vài ngày để suy nghĩ. Những đồ vật nào thực sự thích và cần thiết mới chi tiền mua chứ trước đây cứ mua tràn lan rồi có những đồ chưa bao giờ dùng đến, rất lãng phí", chị Tâm chia sẻ.
Hà Nguyên