Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) phát biểu tại Hội trường
Theo đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa), qua quá trình triển khai thực hiện Luật Thuế GTGT đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước và đã đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành luật là góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo đảm nguồn thu quan trọng và ổn định cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên do những biến động nhanh về kinh tế, xã hội và trước yêu cầu ngày càng cao về hiện đại hóa công tác quản lý thuế nên một số quy định của luật đã bộc lộ những hạn chế bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Vì vậy, đại biểu Minh Hiền nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2008 tại tờ trình của Chính phủ và nhất trí thông qua tại một kỳ họp.
Đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng, Luật Thuế GTGT được thông qua năm 1997 sau 15 năm với 3 lần sửa đổi, bổ sung đến nay có thể khẳng định luật đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của kinh tế- xã hội đất nước góp phần thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa và đẩy mạnh xuất khẩu.
“Tuy nhiên, Luật hiện hành đang bộc lộ những hạn chế. Nổi bật là những bất cập về đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế, thuế suất, ngưỡng đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, phương pháp tính thuế khấu trừ và hoàn thuế. Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế của nước ta, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và thu hút đối với hoạt động đầu tư”, đại biểu Dương Quang Sơn cho biết.
Đại biểu Trần Xuân Hoà (Quảng Ninh), đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung quy định chặt chẽ về thời hạn nộp thuế GTGT vì theo quy định pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp có thể lợi dụng kẽ hở để chậm nộp thuế.
Đại biểu ví dụ: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu Khoản 4, Điều 1, về việc sửa đổi bổ sung Điều 17, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định: thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu tối đa 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Luật thuế GTGT, Khoản 2, Điều 14 quy định: thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo thời hạn nộp thuế nhập khẩu.
Do đó nhiều doanh nghiệp khi nhập khẩu khai báo hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu để được hưởng 275 ngày ân hạn nộp thuế. Khi hết thời gian ân hạn, doanh nghiệp mới khai báo chuyển mục đích nhập khẩu hàng hóa để tiêu thụ nội địa, như vậy doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế GTGT tại thời điểm chuyển đổi mục đích tránh được việc phải nộp vào thời điểm nhập khẩu.
Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) bày tỏ nhất trí với việc bổ sung quy định mức ngưỡng doanh thu để tăng tính hiệu quả của việc áp dụng Luật Thuế GTGT. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu và làm rõ cơ sở nghiên cứu và cơ sở khoa học để đưa ra mức ngưỡng là 1 tỷ đồng/năm và ai xác định doanh thu trên hoặc dưới ngưỡng này để áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp, có thể là cơ quan thuế hay doanh nghiệp hay là hợp tác xã tự xác định.
“Và trường hợp doanh thu thực tế khác đi có thể trên hoặc dưới 1 tỷ thì thực hiện ra sao? Tính ổn định bền vững như thế nào? Nên chăng quy định doanh nghiệp hợp tác xã tự xác định doanh thu dưới ngưỡng và áp dụng ổn định từ hai đến ba năm”, đại biểu Lâm nói.
Tại Điều 13 về hoàn thuế, tại Khoản 1 quy định trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa đưa khấu trừ hết và có số thuế còn lại từ 500 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT. Theo đại biểu Nguyễn Minh Lâm, nên tăng số tiền từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng là phù hợp với lý do: Thứ nhất, luật thuế GTGT năm 1999 không quy định cụ thể mức tiền hoàn thuế. Đến Luật thuế GTGT sửa đổi, bổ sung năm 2004 mới quy định số tiền hoàn là 200 triệu đồng. Như vậy quy định này áp dụng đến nay đã được gần 10 năm. Theo quy định nêu trong dự thảo luật này số tiền hoàn tăng lên 500 triệu tức là trong vòng 10 năm tăng lên 2,5 lần. Trong khi đó tốc độ phát triển kinh tế, mức huy động thu ngân sách đã tăng lên hơn 2,5 lần, nên cần điều chỉnh tiền hoàn tăng lên 1 tỷ đồng là phù hợp.
“Mặt khác theo thống kê nếu tăng lên 1 tỷ đồng thì số lượng hồ sơ hoàn sẽ giảm khoảng 50%. Như vậy khối lượng công việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế sẽ giảm theo”, đại biểu Nguyễn Minh Lâm khẳng định thêm.
Về đối tượng không chịu thuế, hiện nay việc xác định hộ, cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế GTGT căn cứ theo mức tiền lương tối thiểu áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp mà không căn cứ vào doanh thu nên không phù hợp với bản chất thuế GTGT là thuế gián thu thu theo hàng hoá dịch vụ, gây khó khăn, phức tạp cho cả người nộp thuế và công tác quản lý. Một số đại biểu đều bày tỏ đồng tình việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung điều khoản này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ban soạn thảo nên cân nhắc thêm vì số lượng 25 nhóm đối tượng hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế là khá nhiều và cần cân nhắc số lượng này để phù hợp với Chiến lược hệ thống thuế đến năm 2020.
Chính sách “giảm thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê nhà, cho thuê mua nhà ở, dự thảo luật quy định giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ ngày mùng 1- 7-2013 đến hết ngày 30- 6-2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán 15 triệu đồng/m2” quy định trong Luật sửa đổi nhận được sự tán đồng của nhiều đại biểu Quốc hội.
Ảnh minh hoạ: HMT
Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cần có hệ thống giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm bảo đảm tính lan tỏa rộng lớn và đạt được hiệu quả đề ra khi ban hành chính sách. Về thời hạn giảm thuế, một số ý kiến tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách về đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này trong vòng 1 năm rưỡi, từ 1-7-2013 đến hết ngày 31-12-2014.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phiên thảo luận. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã tán thành nhiều nội dung cơ bản trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Về cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung Luật. Đại biểu Quốc hội đề nghị phải hướng đến mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020, chú ý tính khả thi, tính ổn định, bền vững của dự án Luật và tán thành sẽ thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 5.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận và sẽ có báo cáo giải trình lại Quốc hội trước khi xem xét thông qua theo chương trình tại kỳ họp này.
H.L
Theo http://www.mof.gov.vn