Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã nhấn mạnh, Chương trình bình ổn thị trường cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp... đã giúp kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tránh tình trạng đầu cơ trục lợi cũng như liên kết các doanh nghiệp trong nước xích lại gần nhau hơn. Và người dân Việt Nam chính là những người được hưởng lợi khi chương trình này ngày càng xã hội hóa.
|
Ảnh minh hoạ: HMT |
Chương trình đã được xã hội hóa
Theo báo cáo sơ kết của Bộ Công Thương, chương trình bình ổn thị trường đang ngày càng nhận được những tín hiệu tích cực của xã hội. Chương trình đang dần được xã hội hóa. Cụ thể là: Năm 2012 có 45/63 địa phương triển khai Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường giá cả, tăng 9 địa phương so với năm 2011 với sự tham gia của khoảng 300 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình được địa phương tạm ứng vốn ngân sách tạm thời nhàn rỗi với lãi suất 0% hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng hoặc được vay vốn với lãi suất 0% thông qua Quỹ Đầu tư - Phát triển tỉnh, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã... Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều đăng ký giá và cam kết bán hàng bình ổn giá với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10%.
Ngoài quy mô chương trình tiếp tục được mở rộng thì các mặt hàng bình ổn cũng được mở rộng hơn, từ chỗ chỉ tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong các dịp Tết Nguyên đán, đến nay một số địa phương (TP HCM, Bình Dương, Lai Châu, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bến tre, Cần thơ, Đồng Nai) đã mở rộng bình ổn đối với các mặt hàng khác như giấy vở học sinh, dược phẩm, sữa... Hình thức triển khai Chương trình ngày càng đa dạng, phương thức thực hiện ngày càng được cải tiến nhằm đem lại hiệu quả cao hơn. Từ chỗ chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, tới nay nhiều địa phương đã hướng tới tập trung bình ổn giá từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, cho vận chuyển (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng, Bắc Giang). Thông qua Chương trình đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất tới nhà phân phối, người tiêu dùng; tạo lập được liên kết giữa các doanh nghiệp trong chương trình với nhau, giữa các doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Năm 2012, một số tỉnh, thành phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL) cũng đã ký thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và đang triển khai mô hình liên kết tiêu thụ nông sản.... Từ chỗ bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, đã tổ chức ngày càng nhiều các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn, các huyện ngoại thành, miền núi...đồng thời thiết lập nhiều điểm bán cố định tại các khu công nghiệp, các chợ truyền thống, khu vực nông thôn. Đối tượng hưởng lợi của chương trình hiện không chỉ là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (thông qua hỗ trợ về cơ chế tài chính để sản xuất, cung ứng hàng hóa, tổ chức các điểm bán hàng, quảng bá hàng hóa…) mà cả người tiêu dùng được tiếp cận hàng bình ổn với chất lượng bảo đảm, giá bán hợp lý.
Phát biểu về phương hướng trong thời gian tới, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục có chính sách ổn định kinh tế vĩ mô (Lãi suất, tỷ giá, kiểm soát tốt giá các yếu tố đầu vào...), thực hiện tốt việc ngăn chặn hàng nhập lậu nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng. Bên cạnh đó sẽ quan tâm hỗ trợ công tác dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, chú ý đối với các địa phương thường xuyên bị bão lũ. Tạo điều kiện về mặt chủ trương cho các địa phương thực hiện chương trình, Bộ Công Thương và Tài Chính sẽ cung cấp thông tin về cung cầu, giá cả hàng hóa nhằm giúp các địa phương linh hoạt hơn trong việc tạo lập nguồn hàng, bình ổn thị trường.
|
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá – Bộ Tài chính Nguyễn Thị Thúy Nga phát biểu tại hội nghị |
Tình hình sử dụng kinh phí của chương trình
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá – Bộ Tài chính đã sơ kết về tình hình kinh phí thực hiện của chương trình trong năm 2012. Con số 1.706,7 tỷ đồng với mức hỗ trợ lãi suất từ 0%-0,3%/tháng (tùy từng nguồn vay vốn) chính là tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 của 44 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, trong năm 2012 và Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013, qua thống kê 44 địa phương thì có trên 310 doanh nghiệp (kể cả cơ sở và hộ kinh doanh); trong đó, có nhiều doanh nghiệp không nhận vốn hoặc không nhận hỗ trợ lãi suất vay vốn nhà nước tham gia Chương trình. Chương trình dự trữ hàng hóa BOG tại các địa phương đều tập trung vào những hàng hoá thuộc nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân, nhất là trong dịp Tết như: Gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng, thủy hải sản, bánh mứt, lạp xưởng, bột ngọt…; một số địa phương còn thực hiện đối với một số mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, một số mặt hàng thuốc chữa bệnh cho người (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Cả nước có khoảng trên 8.500 điểm bán hàng BOG (gồm cả điểm bán hàng cố định và lưu động), trong đó có trên 50% số điểm bán hàng tập trung tại khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất... Nhìn chung các địa phương đều yêu cầu các doanh nghiệp tham gia Chương trình dự trữ hàng hóa BOG phải cam kết bán hàng thuộc Chương trình dự trữ hàng hóa BOG với giá thấp hơn giá thị trường từ 5- 10 % hoặc 15% và thực hiện đăng ký giá với Sở Tài chính khi bắt đầu thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa BOG.
Đánh giá hiệu quả của Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, bà Nga cho biết: Trong những năm qua, để hạn chế sự mất cân đối cung cầu gây tăng giá đột biến, đặc biệt là trong những dịp cao điểm, lễ, tết..., nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai khá tốt Chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường, giá cả. Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, số doanh nghiệp và tổng giá trị hàng hóa tham gia triển khai Chương trình ngày càng tăng và đa dạng, phong phú về các mặt hàng, đặc biệt đã có nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình mà không nhận vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai Chương trình này. Chương trình đã đạt được những thành công bước đầu và được đánh giá là một trong những công cụ để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình cũng tập trung vào xúc tiến thương mại nội địa, vào các mặt hàng sản xuất trong nước,... từ đó góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa; hạn chế mức tăng giá chung, hạn chế tâm lý đầu cơ găm hàng, nhất là tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh, nơi chiếm quyền số lớn trong cơ cấu tính CPI của cả nước. Qua đó, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình cũng đã từng bước tạo được chuỗi liên kết sản xuất và phân phối. Xuất phát từ việc hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, tới nay Chương trình đã hướng tới tập trung BOG từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất để đầu tư, chủ động nguồn hàng, giảm bớt khâu lưu thông.
Nói về giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường - giá cả cho năm 2013, bà Nga cho biết: Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, hướng dẫn về nguồn kinh phí và kiểm soát sử dụng kinh phí; phối hợp với UBND cấp tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát việc bán hàng theo giá bán hàng của Chương trình đúng theo như quy định và cam kết; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay của các địa phương đồng thời giám sát việc giải ngân vốn vay của các địa phương. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương (nhất là địa phương có khó khăn về kinh phí) chủ động nghiên cứu triển khai các hình thức mới để Chương trình bình ổn thị trường ngày càng phát huy hiệu quả theo hướng tăng cường xã hội hóa và giảm thiểu sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như mô hình TP. Hồ Chí Minh vừa triển khai cho năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014 (Thành phố không hỗ trợ vốn vay ưu đãi với lãi suất 0% như những năm trước, thay vào đó UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đứng ra kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia Chương trình để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp).
Mô hình mới cần nhân rộng
Là một trong những địa phương triển khai chương trình bình ổn giá sớm (12 năm) và tích cực nhất, TP. Hồ Chí Minh liên tục có những cải tiến hàng năm. Năm 2013, điểm mới của chương trình bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh chính là kêu gọi các Tổ chức tín dụng tham gia Chương trình. Qua đó, Thành phố thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp và các Tổ chức tín dụng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp (vay ngắn hạn 6%, trung và dài hạn 10%). Tổng nguồn vốn các Tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay là 1.960 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cho vay ngắn hạn là 860 tỷ đồng và dài hạn là 1.100 tỷ đồng. Chia sẻ tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Sự kết hợp này khiến cho doanh nghiệp và ngân hàng đều có lợi. Các ngân hàng qua đó sẽ triển khai được nhiều dịch vụ hơn, các doanh nghiệp được chủ động triển khai kế hoạch mà không phải phụ thuộc vào quỹ bình ổn. Hiện nay đã có 05 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình này.
Năm nay, các doanh nghiệp còn được hỗ trợ tham gia Chương trình Kích cầu đầu tư mở rộng chuồng trại, chăn nuôi, đầu tư con giống, đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu trên phương tiện thông tin truyền thông, hỗ trợ kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối. Cơ chế giá được điều chỉnh linh hoạt với giá bán thấp hơn giá thị trường 5% - 10% (năm 2012, giá bán phải thấp hơn 10%) và doanh nghiệp được điều chỉnh giá khi giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 5%-10%. Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai trường năm 2013 được triển khai thực hiện cả năm (năm 2012 chỉ thực hiện 06 tháng từ tháng 5 đến tháng 10) với hàng hóa tham gia bán cao điểm từ 1/5 đến 31/10/2013.
Chia sẻ tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua chương trình này, họ đã có sự liên kết vững chắc giữa các nhà sản xuất và các doanh nghiệp. Việc liên kết vững chắc đã giúp cho thị trường được bình ổn cả cung lẫn cầu. Bà Bùi Hạnh Thu – Phó Tổng Giám đốc liên hiệp HTX Sài Gòn Coop rất phấn khởi khi doanh thu từ chương trình Bình ổn giá của đơn vị này đã tăng trưởng gấp ba lần so với trước. Hiện nay, người dân TP. Hồ Chí Minh đã hoàn toàn tin tưởng vào chương trình. Bên cạnh các mặt hàng trong danh mục bình ổn, Saigon Co.op đã chủ động thực hiện giảm giá sâu, khuyến mại hấp dẫn đối với các mặt hàng thiết yếu khác. Trong dịp Tết, để tăng cơ hội mua sắm cho người nghèo, Saigon Co.op đã kết hợp cùng với các nhà cung cấp để có giá tốt (thấp hơn thị trường tới 30%) đã giúp người nghèo có cái Tết đầy đủ, khiến người lao động nghèo rất hoan nghênh. Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc thì doanh thu sẽ ngày càng tăng - Bà Thu nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị đều có mong muốn sẽ có sợi dây liên kết vững mạnh giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại với nhau để hình thành mô hình sản xuất – tiêu thụ – người tiêu dùng. Việc liên kết này sẽ giúp cho thị trường được ổn định trong mọi hoàn cảnh. Không những thế, việc tăng cường sự liên kết, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ chương trình hợp tác thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh với các Tỉnh, Thành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, kết nối cung cầu tạo nguồn hàng dự trữ, phát triển kênh phân phối góp phần ổn định thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực. Ông Vũ Văn Mười – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan mong muốn tiếp tục tập trung phát triển hệ thống phân phối mạng lưới bán hàng bình ổn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển tại các Quận và Huyện ngoại thành, khu chế xuất – khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân…; tăng tầng suất bán hàng lưu động; phối hợp với các Sở ngành, Quận – Huyện, các khu chế xuất – khu công nghiệp đẩy mạnh việc đưa hàng bình ổn vào chợ truyền thống, bếp ăn tập thể, bệnh viện và trường học; phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên Công sản củng cố nâng chất hoạt động cửa hàng, điểm bán, tăng thêm lượng hàng hóa, hướng dẫn trưng bày sản phẩm nâng cao tính chuyên nghiệp trong kinh doanh, tăng số lượng cửa hàng hình thành hệ thống kinh doanh văn minh hiện đại khu vực ngoại thành, hạn chế chợ tạm, chợ tự phát.
Theo T. Hằng - http://www.mof.gov.vn