Nhằm đánh giá tiến độ triển khai quan hệ đối tác và rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như tìm biện pháp để tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực quản lý tài chính công, ngày 25/6/2013, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giữa kỳ Nhóm đối tác trong lĩnh vực quản lý tài chính công. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; các Bộ, ngành có liên quan; các tổ chức quốc tế như WB, ADB, AFD, CIDA, JICA, Luxembourg, UNDP, Liên hợp quốc, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, USAID, SECO…
Đánh giá về kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2013, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính cho biết, ngành Tài chính đã nỗ lực để đạt được những kết quả tích cực nhất định với sự đóng góp không nhỏ từ các đối tác phát triển của Bộ Tài chính thông qua việc hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án cải cách trong các lĩnh vực quản lý tài chính công. Bộ Tài chính luôn ghi nhận những đóng góp của các nhà tài trợ nước ngoài và luôn trăn trở tìm ra những biện pháp để tăng cường quan hệ hợp tác theo hướng hiệu quả.
Theo báo cáo về tình hình triển khai quan hệ đối tác trong lĩnh vực quản lý tài chính công, các cuộc họp nhóm đối tác giữa Bộ Tài chính và các nhà tài trợ quốc tế định kỳ 6 tháng luôn là diễn đàn để các bên liên quan trao đổi, đối thoại, cập nhật thông tin, đánh giá và thống nhất các giải pháp nhằm huy động tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ nước ngoài, nguồn lực trong nước và nâng cao hiệu quả các hoạt động cải cách trong lĩnh vực quản lý tài chính công. Các cuộc đối thoại cấp cao giữa Bộ Tài chính và một số nhà tài trợ về các chính sách tài chính, chính sách vĩ mô, quan hệ hợp tác và trong một số nội dung cụ thể đã bước đầu được hình thành đem lại kết quả khả quan, cụ thể:
Đối với quản lý chi ngân sách, dự án Cải cách Quản lý tài chính công (vay vốn của WB) được gia hạn đến 31/10/2013 và đang được thực hiện theo kế hoạch đề ra; hoàn thành việc triển khai rộng hệ thống TABMIS tại 63/63 tỉnh, thành phố và 40 Bộ, ngành; Luật sửa đổi NSNN đang được Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng với sự hỗ trợ của Dự án Hợp phần II do Đức tài trợ.
Đối với quản lý thu ngân sách, Bộ Tài chính đang tiếp tục triển khai xây dựng Luật phí và lệ phí; văn bản hướng dẫn Nghị định sửa đổi Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; tiếp tục triển khai các đề án với sự hỗ trợ của Quỹ MDTF2 như Thuế bất động sản; xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012.
Đối với công tác quản lý nợ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đề án nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia và nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế, đề án quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công, chương trình quản lý nợ trung hạn, hỗ trợ xây dựng quy chế thu thập thông tin và thực hiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia… Các hoạt động này đều có sự hỗ trợ của Dự án Cải cách quản lý tài chính công do WB tài trợ.
Đại diện Viện chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở Chiến lược tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đang xây dựng Kế hoạch chi tiết trung hạn thực hiện Chiến lược này. Mục tiêu của Kế hoạch chi tiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chiến lược tài chính và nâng cao hiệu quả phối hợp triển khai giữa các đề án bộ phận trong tổng thể Chiến lược. Kế hoạch chi tiết trung hạn sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể về Chương trình hành động của ngành tài chính triển khai thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020, mà trọng tâm trước mắt là cho giai đoạn 2013-2015, đó cũng là cơ sở để các nhà tài trợ xác định cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính theo một khôn khổ đồng bộ và nhất quán. Trên cơ sở đó, giúp tăng cường phối hợp giữa các Nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam đối với quá trình tái cấu trúc tài chính nói chung và tài chính công nói riêng, giảm thiểu sự chồng chéo và nâng cao hiệu quả tài trợ.
Đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Sion Morton cho biết, EU đang tiến hành dự án mới hỗ trợ cho Việt Nam, đó là dự án EU-PFMO. Dự án EU-PFMO sẽ hỗ trợ 2 cơ quan của Việt Nam là Bộ Tài chính với việc thực hiện Chiến lược Phát triển ngành Tài chính với mục tiêu tổng thể và các mục đích cụ thể của Bộ Tài chính trong giai đoạn 2011-2020; và Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với việc thực hiện Chiến lược Phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020. Dự án EU-PFMO sẽ tập trung vào ít lĩnh vực hơn nhằm đem lại tác động lớn hơn, do đó Bộ Tài chính cần có Kế hoạch hành động, xây dựng được khuôn khổ theo dõi và đánh giá nhằm có sự gắn kết giữa hiện đại hóa, quản lý tài chính công với công việc hỗ trợ của EU cho ngân sách của Việt Nam. Ông Sion Morton nhấn mạnh, EU-PFMO sẽ có chương trình hỗ trợ lớn cho Việt Nam về ngân sách dành cho ngành Y tế, do đó Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch của quản lý tài chính công.
Đại diện chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, ông Habib Rab ghi nhận các sáng kiến của Bộ Tài chính trong việc đánh giá và cải thiện quan hệ của nhóm đối tác và hy vọng Kế hoạch chi tiết trung hạn của Bộ Tài chính sẽ sớm được hoàn thiện vào quý 4 năm 2013, trên cơ sở đó, các Hiệp định tài trợ sẽ được ký kết vào cuối năm 2013 và được triển khai vào năm 2014.
Hội nghị cũng đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng của các chuyên gia về kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài chính công; cũng như những đề xuất, khuyến nghị của các nhà tài trợ về mô hình hợp tác trong thời gian tới.