Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Đảm bảo an toàn về nợ công và an ninh tài chính quốc gia
Ngày cập nhật 11/07/2013
Cục trưởng Cục QLN&TCĐN Nguyễn Thành Đô phát biểu tại Hội thảo

Đó là một trong những mục tiêu của “Đề án tổng kết tình hình vay và trả nợ công giai đoạn 2006-2012 và định hướng vay trả nợ công đến năm 2020” được Bộ Tài chính đưa ra xin ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế tại Hội thảo ngày 10/7/2013 tại Hà Nội nhằm hoàn chỉnh Để án trước khi trình Chính phủ. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính; đại diện các cơ quan, ban ngành chức năng có liên quan cũng như các chuyên gia quốc tế đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam.

Luật Quản lý Nợ công được Quốc Hội thông qua vào tháng 6/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Để nhanh chóng đưa Luật Quản lý nợ công vào cuộc sống, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Quản lý nợ công, tổ chức xây dựng các công cụ kiểm soát nợ từ Chiến lược nợ công đồng thời triển khai các nghiệp vụ quản lý nợ công theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác quản lý nợ công cũng đang gặp phải những thách thức và khó khăn nhất định, đặc biệt là giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa chính sách huy động vốn vay công cho đầu tư phát triển theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra và bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cân đối vĩ mô và khả năng trả nợ trong các giới hạn an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia. Vì vậy, cần có sự tổng kết đánh giá thực trạng tình hình vay và trả nợ công trong thời gian qua, chỉ rõ mức độ đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xác định những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời đề ra kế hoạch huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công đến năm 2020, góp phần thực hiện Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết vấn đề nợ công và quản lý nợ không chỉ là mối quan tâm ở Việt Nam mà còn là chủ đề “nóng” của nhiều Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trên thế giới. Ở Việt Nam khái niệm nợ công mới được sử dụng từ năm 2009 sau khi có Luật Quản lý Nợ công. Tuy nhiên, cách tiếp cận khái niệm nợ công còn nhiều sự khác nhau giữa Việt Nam và một số tổ chức quốc tế khác. Yêu cầu về quản lý nợ công hiện nay đòi hỏi phải đáp ứng được các nhu cầu phát triển của đất nước nhưng phải đảm bảo khả năng trả nợ, các cân đối trong cán cân kinh tế vĩ mô cũng như hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay. Chính vì vậy, Hội thảo này là cơ hội để các cơ quan quản lý nhìn nhận tổng thể những ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế trong nợ công và quản lý nợ công ở nước ta thời gian qua, từ đó có định hướng chính xác hơn trong thời gian tới nhằm thực hiện được Chiến lược nợ công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nội dung “Đề án tổng kết về vay-trả nợ công giai đoạn 2006-2012 và kế hoạch vay-trả nợ công đến năm 2020” đã được trình bày tại Hội thảo. Đề án tổng kết, đánh giá  một cách toàn diện quá trình huy động, phân bổ sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công; phân tích và làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, vướng mắc và bài học kinh nghiệm rút ra trong các hoạt động thực tiễn về việc thực hành các nghiệp vụ quản lý nợ công trong giai đoạn 2006-2012; kế hoạch cụ thể về vay-trả nợ công đến năm 2020; xác định mục tiêu, định hướng trung hạn cho việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế và tổ chức thực hiện các nghiệp vụ về huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công nhằm thực hiện tốt mục tiêu huy động hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo an toàn về nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Trong bối cảnh cách tiếp cận về khái niệm nợ công cũng như những đánh giá về nợ công còn có sự khác nhau giữa nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, thì những tổng kết, đánh giá từ một trong những cơ quan quản lý về nợ công về những vấn đề cơ bản nhất được những người tham dự Hội thảo quan tâm và đánh giá cao.

Hội thảo cũng đã lắng nghe nhiều tham luận và ý kiến tham gia của đại diện các bộ ngành có liên quan, các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia kinh tế độc lập. Đánh giá về những nội dung được nêu ra trong Đề án, các chuyên gia cho rằng, nhiều nội dung về nợ công đã tiệm cận và  phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến khác nhau về một số nội dung được nêu ra trong đề án như vấn đề nợ DNNN sẽ được nhìn nhận như thế nào.

Phó Chủ tịch UBGSTC Hà Huy Tuấn cho biết hiện có ý kiến cho rằng, tất cả các khoản nợ của DNNN phải tính vào nợ công, vì suy cho cùng chủ sở hữu thực sự của các DNNN chính là nhà nước. Trong khi đó, Bộ Tài chính căn cứ vào Luật Nợ công không tính các khoản vay này vào nợ công. Đồng tình với quan điểm nợ DNNN không nên tính vào nợ công nhưng ông Tuấn cũng cho rằng, dù về mặt kỹ thuật không nên thống kê nợ DNNN vào nợ công, nhưng về mặt quản lý độ rủi ro, thì các khoản nợ này cần được giám sát một cách chặt chẽ, không chỉ khâu nợ mà cả khâu đi vay. Nếu không nó vẫn là hệ quả mà NSNN phải xử lý. Hơn thế nữa, trên thị trường vốn quốc tế nếu các khoản vay của DNNN mà nhiều thì các khoản vay của Chính phủ sẽ khó khăn hơn do tất cả những rủi ro sẽ được tính cộng vào lãi suất vay. Chính vì vậy, Ông Tuấn cho rằng, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan cần quan tâm đến khoản vay của DNNN, đồng thời xem xét, giám sát chặt chẽ như một khoản vay của Chính phủ.

Đề án cũng đã đưa ra các chỉ tiêu về nợ công vẫn đang nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, các chuyên gia tham dự Hội thảo cũng cho rằng, dù trong ngưỡng an toàn (chưa kể ngưỡng này chỉ mang tính định hướng) thì cơ quan quản lý cũng cần hết sức thận trọng, do biến động về tỷ lệ nợ công/GDP có thể thay đổi và biến động rất nhanh (do biến động về tỷ giá, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới).

Bàn luận thêm về tỷ lệ nợ công, đại diện Ủy ban Kinh tế Trung ương cho rằng con số bao nhiêu phần trăm chỉ là tương đối để đánh giá có an toàn hay không, vấn đề là phải căn cứ vào khả năng trả nợ cũng như hiệu quả của các nguồn vốn vay.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo cũng đề xuất các khái niệm về nợ công cũng như phạm vi nợ công cần được tiếp cận theo thông lệ quốc tế. Điều này không chỉ giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có một cái nhìn thống nhất về khái niệm về nợ công Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Đánh giá về vấn đề nợ công Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra and Habib Rab cho rằng tình trạng nợ Việt Nam không căng thẳng và ít rủi ro do chất lượng chính sách và thể chế (CPIA) tốt. Tuy nhiên, nếu CPIA của Việt Nam không giữ được mức độ tốt trong thời gian tới thì mức độ rủi ro này sẽ tăng lên.

Theo http://www.mof.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 50
Chung nhan Tin Nhiem Mang