Sau một năm rưỡi duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ổn định ở mức 20.828 đồng/USD, cuối tháng 6 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh tăng 1%, lên 21.036 đồng/USD. Động thái này, theo NHNN, là nhằm phản ánh chính xác hơn cung cầu ngoại tệ trên thị trường, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ.
Trong ngày đầu áp dụng tỷ giá mới, thị trường ngoại tệ và tỷ giá giao dịch diễn biến khá ổn định nhưng sau đó đã có những biến động. Tỷ giá có xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ giá trên thị trường tự do. Tại các ngân hàng thương mại tỷ giá niêm yết cũng ở mức cao.
“Có thể thấy diễn biến tỷ giá những ngày gần đây đang bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố tâm lý, không xuất phát từ mất cân đối cung cầu ngoại tệ, và có lý do một phần từ việc thanh khoản đồng Việt Nam đang dồi dào nên một số ngân hàng gia tăng hoạt động mua vào ngoại tệ”, Phó thống đốc Lê Minh Hưng nhận định. “Tất nhiên, NHNN cũng không loại trừ khả năng một số đối tượng kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do lợi dụng cơ hội để đầu cơ, làm giá ngoại tệ nhằm kiếm lợi bất chính”.
Nguồn lực nào để giữ vững cam kết?
Trước tình hình này, vào cuối chiều thứ Tư (ngày 10.7), tức là 2 tuần sau khi điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng, NHNN đã chính thức truyền đi thông điệp khẳng định trong thời gian tới không điều chỉnh tỷ giá và sẽ áp dụng các biện pháp kiên quyết để ổn định tỷ giá trong đó có cả việc bán ngoại tệ can thiệp mạnh để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Liệu NHNN có thể giữ vững cam kết này hay không? Nếu câu trả lời là có, thì những nguồn lực nào sẽ giúp NHNN không “thất hứa”?
Đầu tiên phải kể đến diễn biến thuận lợi của cán cân thanh toán quốc tế 6 tháng đầu năm nay. Nhập siêu chỉ ở mức 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong khi đó chỉ riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đã ở mức 5,7 tỷ USD. Các nguồn thu ngoại tệ khác như kiều hối, đầu tư gián tiếp vẫn tiếp tục ở mức cao.
Theo dự báo của NHNN, cán cân thanh toán quốc tế của nước ta trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục thặng dư và cán cân thanh toán tổng thể năm 2013 nhiều khả năng thặng dư ở mức 5 tỷ USD. Bên cạnh đó, trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng và doanh số giao dịch với khách hàng cũng không có đột biến. Kết quả khảo sát nhu cầu ngoại tệ trong quý III do NHNN tiến hành đối với một số tổ chức tín dụng có doanh số hoạt động ngoại hối lớn cũng cho thấy, nhu cầu từ phía khách hàng có tăng nhưng không đáng kể, ít có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.
Điểm tựa khác khá quan trọng của NHNN chính là sự đồng thuận từ các ngân hàng thương mại. Một ngày sau khi đưa ra cam kết sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, chiều muộn ngày 11/7, NHNN đã có cuộc họp với lãnh đạo của 14 ngân hàng thương mại lớn nhất trong hệ thống về định hướng ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, tập trung xử lý vấn đề dư thanh khoản tiền đồng.
Các đại diện tham dự đều thống nhất, đồng thuận về hướng bình ổn này, cam kết phối hợp với NHNN giữ ổn định trên thị trường ngoại hối, tuân thủ các quy định hiện hành gắn với trách nhiệm của mỗi thành viên đối với sự ổn định chung. Thị trường ngoại tệ cũng đã có những phản ứng tích cực ngay trong chiều 11/7.
Trên thị trường tự do tỷ giá được giao dịch ở mức 21.500 VNđ/USD – 21.550 VNđ/USD (mua vào – bán ra). Còn tại các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV nếu đầu giờ chiều USD được giao dịch ở mức 21.232 VNđ/USD, thì đến cuối giờ chiều giảm còn 21.220 VNđ/USD mua vào, bán ra 21.246 VNđ/USD. Tỷ giá niêm yết chiều bán ra tại một số Ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ hơn đã về dưới trần, quanh mức 21.242 VND/USD.
Ổn định không có nghĩa là cố định
Một số chuyên gia kinh tế tin rằng NHNN có thể duy trì chính sách tỷ giá như đã tuyên bố. Từ đầu năm, NHNN khẳng định mức biến động tỷ giá trong cả năm 2013 chỉ từ 2 – 3%. Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát việc phá giá trong vòng 3%. Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Trương Văn Phước nhận định, từ đây đến cuối năm tỷ giá USD/VNđ có thể dao động trong khoảng 1 - 1,5%, là trong tầm tay của NHNN.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, nền kinh tế đang rất nhạy cảm với các biến số vĩ mô nên NHNN phải truyền thông thường xuyên và mạnh mẽ về lòng kiên trì trong theo đuổi ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Liên quan đến điều hành chính sách tỷ giá, sự ổn định không đồng nghĩa với việc cố định tỷ giá.
Trong giai đoạn hiện nay, NHNN không nên cam kết một mức điều chỉnh tỷ giá cụ thể, cũng như một thời điểm điều chỉnh tỷ giá cụ thể trong năm, bởi những cam kết này sẽ khuyến khích người ta đầu cơ vào USD khi thời điểm điều chỉnh đến gần.
Một chính sách tỷ giá hợp lý hiện nay, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, một mặt, phải đảm bảo được sự ổn định về kinh tế vĩ mô cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua việc cam kết một biên độ dao động vừa phải, chẳng hạn trong khoảng từ 0 - 4%.
Tuy nhiên, mặt khác, chính sách tỷ giá cần tạo ra một sự bất định cho thị trường, tất nhiên là trong biên độ đã cam kết, để các nhà đầu cơ phải tính đến những rủi ro chính sách khi họ có ý định tích trữ USD. Việc điều chỉnh tỷ giá, nếu thực hiện, cần được giữ bí mật. Tỷ giá có thể được điều chỉnh vào lúc thị trường ít ngờ tới nhất. Hơn nữa, cùng với thông điệp về chính sách tỷ giá, NHNN phải bổ sung thêm những nguồn lực hỗ trợ phía sau mới mong tạo được lòng tin ở thị trường.
Theo daibieunhandan.vn