7 tháng, thu NSNN đạt 429.165 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN tháng 7 ước đạt 73.000 tỷ đồng, tăng 41,9% (khoảng 21.550 tỷ đồng) so với mức thực hiện tháng 6, trong đó: Thu nội địa ước đạt 44.900 tỷ đồng, tăng 43,2% (khoảng 13.550) tỷ đồng so với thực hiện tháng 6; không kể tiền sử dụng đất thì tăng 48,2%. Thu từ dầu thô ước đạt 8.600 tỷ đồng, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với thực hiện tháng 6; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 40,4% (khoảng 7.200) tỷ đồng so với thực hiện tháng 6, chủ yếu do từ 1/7/2013 thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế, đã thực hiện thu thuế xuất nhập khẩu được ân hạn từ tháng 6/2013 chuyển sang và thu ngay thuế xuất nhập khẩu của các lô hàng làm thủ tục nhưng không đủ điều kiện gia hạn, hoặc không có bảo lãnh của ngân hàng. Không kể các yếu tố đột biến nêu trên thì số thu tháng 7/2013 đạt xấp xỉ mức thực hiện tháng trước. Sau khi thực hiện hoàn thuế GTGT theo chế độ, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 62,4% so với ước thực hiện tháng 6.
Như vậy, tính đến ngày 31/7/2013, tổng thu NSNN ước đạt 429.165 tỷ đồng, bằng 52,6% dự toán, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: Thu nội địa đạt 281.720 tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2012. Thu từ dầu thô đạt 64.330 tỷ đồng, bằng 65% dự toán. Trên cơ sở giá dầu bình quân tháng 7 đạt 112 USD/thùng, tăng 22 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng thanh toán ước đạt 8,67 triệu tấn, bằng 61,3% kế hoạch. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: tổng số thu về xuất nhập khẩu đạt 119.695 tỷ đồng, sau khi thực hiện hoàn thuế GTGT theo chế độ 40.080 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79.615 tỷ đồng, bằng 47,8% dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2012.
Tổng chi NSNN tháng 7 ước đạt 78.950 tỷ đồng, lũy kế chi 7 tháng đầu năm ước đạt 527.860 tỷ đồng, đạt 54% dự toán, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 92.155 tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó NSNN đã thực hiện cấp bù lãi suất tín dụng nhà nước cho Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 62,4% dự toán; chi cho vay chính sách đối với học sinh, sinh viên đạt 58,4% dự toán; chi bổ sung dự trữ quốc gia đạt 54,5% dự toán..
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB (cả vốn NSNN và vốn TPCP) đạt khá so với cùng kỳ năm 2012, trong đó vốn NSNN giải ngân đến các chủ đầu tư ước đạt 52,5% dự toán (cùng kỳ năm 2012 đạt 47,7%); vốn đầu tư từ nguồn TPCP ước đạt khoảng 54,5% kế hoạch (cùng kỳ năm 2012 đạt khoảng 43,9% kế hoạch).
Đối với chi trả nợ và viện trợ, ước đạt 60.080 tỷ đồng, bằng 57,2% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2012, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn.
Về cân đối ngân sách, bội chi NSNN tháng 7 ước đạt 5.950 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng đầu năm 98.695 tỷ đồng, bằng 60,9% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.
Tích cực triển khai NQ 01/NQ-CP và NQ 02/NQ-CP
Trong tháng 7/2013, Bộ Tài chính đã báo cáo Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về đánh giá tình hình NSNN cả năm 2013, khái toán NSNN năm 2014; tổ chức hội nghị ngành Tài chính đánh giá sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và quán triệt giải pháp tổ chức, điều hành 6 tháng cuối năm với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2013.
Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang tổ chức thực hiện công tác kiểm tra tình hình thu NSNN tại một số địa phương trọng điểm, Tập đoàn, Tổng công ty có số thu ngân sách lớn như: thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tập đoàn Dầu khí.... Đồng thời, đang khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ V.
Bộ Tài chính cũng đã tập trung chỉ đạo ngành Thuế và Hải quan tăng cường thực thi pháp luật về thuế, đẩy mạnh chống thất thu, nợ đọng thuế và chống chuyển giá; thường xuyên duy trì các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình thu nộp ngân sách tại các doanh nghiệp và công tác hoàn thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng tại nhiều địa phương; có văn bản yêu cầu địa phương tăng cường quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về thuế; tổ chức hội nghị tọa đàm về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hàng nông lâm, thủy hải sảnn
Đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội
Tại cuộc họp sơ kết ngành Tài chính 6 tháng đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo ngành Tài chính để hoàn thành kế hoạch dự toán NSNN năm 2013 cần triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, không ban hành các chính sách làm tăng chi NSNN. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ hết sức quan trọng là dù khó khăn cũng phải bố trí, cân đối ngân sách đảm bảo chi cho an sinh xã hội và con người. Trên thực tế, thực hiện những chủ trương lớn của Chính phủ nhằm bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, Bộ Tài chính đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2013 cho các đối tượng thụ hưởng chính sách... thực hiện hướng dẫn và đảm bảo nguồn để đảm bảo chi trả kịp thời thực hiện chính sách tăng lương tối thiểu chung (từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng) từ ngày 01/7/2013.
Trong tháng 7/2013, ngành Tài chính đã chỉ đạo hoàn thành xuất cấp 3.977 tấn gạo hỗ trợ cho các địa phương Lào Cai (200 tấn); Cao Bằng (1.100 tấn); Gia Lai (321 tấn); Đắk Lắk (1.000 tấn); Nghệ An (1.220 tấn) và Lào Cai (136 tấn). Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2013, tổng số gạo dự trữ quốc gia xuất cấp để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt đạt trên 45,8 nghìn tấn, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh viêc tập trung triển khai, hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm của ngành về công tác tài chính, ngân sách, toàn thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức ngành Tài chính không quên trách nhiệm, tình cảm của mình với những người con đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, trong đó có cả những Liệt sỹ ngành Tài chính. Tháng 7, tháng của sự tri ân, đây cũng là thời điểm ngành Tài chính triển khai hàng loạt các chương trình thăm hỏi, đền ơn đáp nghĩa đối với những gia đình cách mạng, với các trung tâm nuôi dưỡng người có công. Một hoạt động hết sức thiết thực và có ý nghĩa được triển khai trong dịp này đó là sau thời gian dài hoàn thiện giai đoạn 1 và chuẩn bị các công việc cần thiết khác cho khởi công giai đoạn 2, Bộ Tài chính đã tổ chức lễ động thổ nâng cấp Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, giai đoạn 2. Đây là mong muốn và tấm lòng của cán bộ, công chức viên chức ngành Tài chính chung tay để nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn Liệt Sỹ đang nằm tại đây khang trang hơn, sạch đẹp hơn và thuận tiện hơn để thân nhân các Liệt sỹ cũng như nhân dân cả nước đến thăm viếng.
Theo http://www.mof.gov.vn