Vụ hè thu năm 2013, ông Nguyễn Ngộ (thôn Tô Đà 1, xã Thủy Tân) gieo cấy 5,6 sào với giống lúa Khang Dân. Công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh được thực hiện đúng theo các quy trình, hướng dẫn của Hợp tác xã (HTX) và Trạm Bảo vệ Thực vật thị xã (TBVTVTX), nhưng không hiểu vì lý do gì mà năng suất lúa giảm gần một nửa. Với diện tích này, năm ngoái tui thu vào gần 2 tấn, nhưng năm nay chỉ được hơn một nửa – ông Ngộ than thở.
Lúa trà đầu đang được nông dân Hương Thủy tích cực thu hoạch
Ông Nguyễn Quang Hồng – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thủy Tân cho hay, vụ lúa này, toàn HTX gieo cấy 367ha. Ngay từ đầu vụ, công tác chuẩn bị được bà con chuẩn bị kỹ lưỡng, gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, chủ động trong công tác chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh, năng suất đề ra là từ 59-60 tạ/ha. Tuy nhiên, qua công tác thăm đồng thấy xuất hiện một loại nấm lạ. Loại nấm này ban đầu xuất hiện ở thân cây lúa, làm cho thân lúa bị đen, sau đó lan nhanh đến hạt. Những hạt bị đen toàn những hạt lép, vì vậy năng suất giảm đáng kể. So với kế hoạch ban đầu, năng suất lúa tính bình quân của HTX chỉ còn từ 54-55 tạ/ha.
Vụ hè thu 2013 năm nay, thị xã Hương Thủy gieo cấy 3.122 ha lúa với cơ cấu giống chủ yếu là Khang dân, trong đó 95% là giống xác nhận, giống chất lượng cao như HT1, Nếp, Hương Cốm, HN6, Hồng Ngự... chiếm khoảng 30%. Trong giai đoạn lúa đang trổ, qua theo dõi của TBVTVTX, có rất nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại như rầy, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, lem lép hạt, khô vằn, thối thân thối bẹ.
Theo thống kê, bệnh lem lép hạt gây hại trên diện rộng với diện tích nhiễm khoảng 1.600ha, diện tích nhiễm nặng khoảng 210ha tập trung ở các xã, phường Thuỷ Dương, Thủy Châu, Thủy Phù, Thuỷ Tân trên tất cả các giống Khang Dân, HT1, Nếp. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lem lép hạt được xác định là do thời tiết nắng nóng và có mưa dông đột ngột lúc lúa làm đòng, ảnh hưởng đến giai đoạn phân hoá đòng.
Ngoài ra, toàn thị xã có 190 ha lúa trà cuối bị dịch rầy nâu gây hại. Trong đó tập trung chủ yếu ở 5 HTX: Thủy Phù 2, Thủy Châu 1, Thủy Châu 2, Thủy Thanh 2 và Thủy Lương. Mật độ rầy phổ biến từ 750-1.500 con/m2, nơi có mật độ rầy cao từ 7.000-10.000 con/m2, cục bộ một số diện tích lúa đã bị cháy chòm… Do nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại nên năng suất lúa của thị xã Hương Thủy trong vụ này đã giảm đáng kể.
Theo ông Dương Văn Chính – Quyền Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, qua công tác thăm đồng cũng như sản lượng lúa mà bà con nông dân đang thu hoạch trà đầu, sản lượng lúa bình quân của thị xã Hương Thủy giảm từ 10 - 15%, tức là giảm khoảng 3.000 tấn so với chỉ tiêu đề ra ban đầu.
Với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", chúng tôi đang tích cực tham mưu cho UBND thị xã chỉ đạo các phường, xã đẩy nhanh tiến độ thu hoạch những diện tích lúa đã chín, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về năng suất. Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp với các xã, phường, HTX và các tập đoàn sản xuất nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại để có phương án phòng ngừa cho vụ sau – Ông Dương Văn Chính cho biết thêm.
Theo baothuathienhue.vn