Theo quy định của Thông tư trên, các hành vi bị khép vào tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) bao gồm: Cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc Người của tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn; Cá nhân hoặc người của tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ thực hiện in trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả...
Thực hiện hành vi lập tờ thông báo phát hành hóa đơn không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định. Mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo qui định; Mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo; Mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ; Mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn.
Thông tư liên tích số 10 cũng nêu rõ, với trường hợp vi phạm trên nếu số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN ở dạng phôi (chưa ghi giá trị) từ 50 số đến dưới 100 số được coi là lớn; từ 100 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn. Với số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn. Thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên. Hoặc gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho NSNN có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.
Đối với tội vi phạm qui định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10 thì chủ thể của tội phạm này là: Người mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ; Người có trách nhiệm của tổ chức mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ; Người có trách nhiệm của tổ chức đặt in hoặc nhận in hóa đơn. Các hành vi vi phạm qui định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN bao gồm: Lưu trữ, bảo quản hóa đơn không đúng qui định; Không báo cáo hoặc báo cáo không chính xác tình hình sử dụng, thanh toán, quyết toán sử dụng hóa đơn; Làm hư hỏng, mất hóa đơn; Thực hiện hủy hóa đơn không theo đúng qui định của pháp luật; Xử lý việc mất, cháy, hỏng hóa đơn không theo đúng qui định của pháp luật.
Ngoài ra, các trường hợp được coi là gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại cho NSNN có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho NSNN có trị giá từ 500 triệu đồng trở lên.
Theo baohaiquan.vn