Tăng mạnh nhất trong giỏ hàng tính CPI là nhóm Giáo dục với mức tăng 9,38%, riêng dịch vụ giáo dục tăng 10,66%. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao nhất trong giỏ tính hàng hóa CPI được cho là do nhiều địa phương tăng học phí theo lộ trình tăng học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ. Trong tháng 9/2013 đã có 40 tỉnh, thành phố tăng giá dịch vụ giáo dục các loại. Đồng thời, đây cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng sách vở, đồ dùng học tập tăng cao, đưa chỉ số chung của nhóm giáo dục tăng 9.,38%, đóng góp 0.54% vào mức tăng chỉ số giá chung cả nước.
Các nhóm hàng khác trong giỏ tỉnh CPI tăng không đáng kể với mức tăng dưới 1%. Trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0.65%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0.29%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,23%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,33%.
Nhóm hàng Giao thông và Bưu chính viễn thông là hai nhóm hàng có mức giảm trong giỏ tính CPI, với mức giảm lần lượt là 0,24% và 0,01%
Vàng và đô la Mỹ tuy không nằm trong giỏ tính CPI, nhưng cũng được thể hiện trong bảng tính. Chỉ số giá vàng có mức tăng 1,97%. Giá vàng trong nước được đánh giá tăng theo giá vàng thế giới do nhu cầu vàng ở một số nước có xu hướng tăng như Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập. Do vậy, giá vàng thế giới tiến về mốc 1.400 USD/ounce. Trong nước bình quân tháng 9/2013, giá vàng 99,99 xoay quanh mức 3.800.000 đồng/chỉ tăng 1,97% so với tháng trước. Giá đô la Mỹ giảm 0.26%, giá bình quân tháng này ở mức 21.150 VND/USD trong khi tỷ giá liên ngân hàng vẫn được giữ ổn định ở mức 21.036 VNĐ/USD. Theo đánh giá từ phía các ngân hàng thương mại, giá USD giảm do nguồn cung từ phía các doanh nghiệp gia tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu tích trữ USD cũng giảm khi những ngày gần đây gía vàng và USD đều ổn định. Ngoài ra, việc NHNN tạm ngừng đấu thầu vàng cũng làm giảm sức ép lên thị trường ngoại tệ khi nhu cầu USD cho nhập khẩu vàng lắng xuống.
Theo http://www.mof.gov.vn