Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Đầu tư cho việc làm chất lượng cao có thể tạo nên bước nhảy vọt về kinh tế
Ngày cập nhật 16/06/2014

(Tài chính) Báo cáo toàn cầu “Thế giới Việc làm 2014: Phát triển với việc làm” của ILO cho thấy: việc làm chất lượng có thể thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở những quốc gia mới nổi và đang phát triển. Việt Nam đã có một bước nhảy vọt ấn tượng trong hai thập kỷ qua nhưng sự tiến bộ đã chậm lại trong thời gian gần đây.

Báo cáo “Thế giới Việc làm 2014: Phát triển với việc làm” phân tích chuyên sâu về 140 nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển, lần đầu tiên cho thấy đầu tư vào việc làm có chất lượng, giảm thiểu những công việc dễ tổn thương và giải quyết tình trạng có việc làm mà vẫn nghèo đói có thể giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Báo cáo chỉ ra rằng, kể từ năm 2007 đến nay, những quốc gia đầu tư nhiều vào việc làm có chất lượng từ những năm đầu thế kỷ 21 có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn gần 1% so với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác. Chính điều này đã giúp làm giảm bớt những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.

Tuy nhiên, đầu tư vào việc làm có chất lượng cao thường đi kèm với xu hướng giảm bất bình đẳng trong thu nhập. Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder, khẳng định: “Phát triển không chỉ đến từ những yếu tố như xuất khẩu, thương mại mở cửa hay đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bảo trợ xã hội, tôn trọng các tiêu chuẩn và chính sách lao động cơ bản giúp thúc đẩy việc làm chính thức cũng rất quan trọng trong việc tạo ra việc làm có chất lượng, nâng cao mức sống, tăng tiêu dùng nội địa và thúc đẩy tăng trưởng tổng thể. Cơ hội việc làm bền vững cho phụ nữ và nam giới giúp thúc đẩy phát triển và giảm nghèo”.

Báo cáo đề cập tới tầm quan trọng của chất lượng việc làm trong bối cảnh các diễn biến có thể coi là tích cực của việc làm toàn cầu. Phản ánh mức tăng thấp hơn so với những dự báo trước đây, thất nghiệp toàn cầu ở mức gần 200 triệu người vào năm 2013 và được dự đoán sẽ tăng 3,2 triệu người trong năm 2014. Đến năm 2019, với những xu hướng và chính sách hiện hành, thất nghiệp sẽ chạm ngưỡng 213 triệu. Thất nghiệp toàn cầu được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao là 6% như hiện tại cho đến năm 2017.

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại Bắc Phi và Trung Đông được dự đoán sẽ duy trì ở mức 12,3% và 11,1% trong năm 2014. Trong năm 2014, mức tăng tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở khu vực Trung và Đông Nam châu Âu và các nước thuộc khối Liên Xô cũ (tỷ lệ thất nghiệp ở đây ước tính sẽ khoảng 8,3% vào năm 2014).

Trong vòng 5 năm tới, 90% công việc mới được tạo ra là ở các nước mới nổi và đang phát triển. Điều này được dự kiến sẽ có tác động mạnh mẽ đến các dòng di cư lao động. Hiện tại, di cư Nam - Nam đã tăng lên trong khi lao động cũng đang dần rời khỏi các nền kinh tế phát triển, đặc biệt ở một số nước châu Âu bị thiệt hại nặng nề do khủng hoảng tài chính tiền tệ, để tìm kiếm cơ hội việc làm tại các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người lao động được trả lương đã tăng 22% từ năm 1991 đến năm 2013, cùng với đó là sự giảm mạnh tỷ lệ lao động nghèo và năng suất lao động đã tăng nhanh.

Theo Điều tra Lao động và Việc làm của Quý 1 năm 2014, tỷ lệ lao động được trả lương tiếp tục tăng 0,2% lên 34,9% so với cùng kỳ năm 2013. Tiền lương danh nghĩa cũng tăng mạnh, tăng 64% từ 2010 đến 2013.

Tuy nhiên, sự tiến bộ đã chậm lại trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình năm 2010, làm nảy sinh những thách thức mới bên cạnh những cơ hội.

Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp là một trong những thách thức lớn đối với thị trường lao động Việt Nam. Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu 2013 xếp Việt Nam đứng thứ 70 trong số 148 quốc gia xếp hạng. Năng suất lao động của Việt Nam cũng ở hàng thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Điều tra Lao động và Việc làm, tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương (bao gồm lao động tự làm hoặc lao động gia đình) vẫn liên tục ở mức cao. Trong khi chỉ có 2% người lao động thất nghiệp, thì có tới 63% lao động làm những công việc dễ bị tổn thương. Những công việc này thường gắn với năng suất lao động thấp, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không bảo đảm và không có các chế độ bảo hiểm.

Một phần năm lao động Việt Nam làm việc không có hợp đồng lao động và tỷ lệ này là 45% đối với lao động trẻ dưới 25 tuổi. “Nhưng Chính phủ đã cho thấy những cam kết để cải thiện tình hình”, Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki nhận định. “Việc thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia và việc thông qua Luật Việc làm năm ngoái, cùng với quá trình sửa đổi luật hiện nay, bao gồm dự thảo Luật Vệ sinh an toàn lao động và Luật Dạy nghề, được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam vượt qua những thách thức đó”, ông Gyorgy Sziraczki nói.

Báo cáo toàn cầu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phối hợp hệ thống bảo trợ xã hội được thiết kế hiệu quả với chiến lược tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, đầu tư thu nhập từ dầu mỏ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác vào phần còn lại của nền kinh tế. Nói theo cách khác, các biện pháp quản lý phải tạo ra một môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho quá trình thành lập và mở rộng doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, như Uruguay đã làm với hệ thống bảo trợ xã hội “một thuế duy nhất” dành cho lao động tự kinh doanh, từ đó mở đường cho kinh doanh trong khu vực chính thức.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 4.030
Chung nhan Tin Nhiem Mang