Xung quanh vấn đề cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Đình Cung.
Phóng viên: Trong 5 tháng đầu năm nay, các dự án đầu tư tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cả cấp mới và tăng vốn đã đạt hơn 5,5 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ 2013. Vậy ông bình luận thế nào về vấn đề này?
TS. Nguyễn Đình Cung,
Viện trưởng Viện CIEM
TS. Nguyễn Đình Cung: Theo tôi không nên so sánh con số thu hút FDI với cùng kỳ năm trước, đó là trong một thời gian ngắn mà nên so sánh một cách dài hơi và ổn định hơn.
Vốn thực hiện dự án FDI hàng năm đạt khoảng 10 tỷ USD, đóng góp của FDI vào Việt Nam chiếm đến 18% GDP, cũng như đóng góp vào đầu tư chiếm 55%, đây là những con số rất lớn và quan trọng. Nhìn chung, thời gian gần đây, thu hút FDI vào Việt Nam ổn định và phù hợp với nhu cầu thực tế. Và năm nay, cũng không ngoại lệ, mức giải ngân dự kiến sẽ vào khoảng 10-11 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện nay, chính sách của Việt Nam trong thu hút FDI vẫn chưa nhất quán. Tôi cho rằng Việt Nam cần coi thu hút FDI như là một thành tố, một động lực quan trọng và động lực đang vận hành tốt trong phát triển nền kinh tế.
Do đó, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả của thu hút đầu tư FDI và trên thực tế nhiều địa phương đã bắt đầu có sự lựa chọn và chọn lọc. Theo đó, đã có những dự án tạo ra sự thân thiện hơn với môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn. Trong thời gian tới cũng có thể số lượng đầu tư của các doanh nghiệp (DN) FDI giảm dần và các địa phương đang hướng đến những dự án có chất lượng ngày càng tốt hơn.
Ông có thể đánh giá những vấn đề gì đặt ra trong công tác thu hút FDI trong thời gian qua?
Thời gian qua, có thể chúng ta đã thu hút được về số lượng dự án và tạo công ăn việc làm ở các địa phương nhưng chất lượng để nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ của nền kinh tế thì chưa đạt được như mong muốn.
Đặc biệt, khi nền kinh tế bắt đầu tăng lên với mức thu nhập trung bình, chi phí nhân công bắt đầu tăng lên. Việt Nam cần bắt đầu hướng đến việc phải thay đổi mô hình tăng trưởng, dựa vào năng suất, dựa vào chất lượng hiệu quả nhiều hơn. Theo đó, chúng ta đã có những chính sách để thúc đẩy và nâng cao chất lượng của FDI.
Nhưng theo tôi, Việt Nam cần thay đổi cách vận động các chính sách nhằm phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Có như thế, Việt Nam mới thành công trong việc thu hút luồng vốn đầu tư có chất lượng, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, khi thu hút đầu tư, chúng ta không làm một cách đại trà mà nên thực hiện có chọn lọc, trọng điểm. Nếu có chọn lọc được ngay từ đầu, thì chúng ta sẽ chủ động chọn được những nhà đầu tư như mình mong muốn.
Thưa ông, tại nhiều địa phương có nhiều dự án đã đăng ký xong nhưng tiến độ chậm triển khai cũng rất nhiều. Trong khi đó, mỗi Sở Kế hoạch Đầu tư lại có lý do riêng cho địa phương của mình. Để xử lý vấn đề này trong thu hút đầu tư, chúng ta có sàng lọc một cách kỹ càng hay không ?
Đây là một bài học mà chúng ta cần rút kinh nghiệm. Thời gian qua, chúng ta đã ồ ạt thu hút đầu tư nước ngoài. Bài học đó cho chúng ta thấy cần có sàng lọc nhất định và theo tôi Luật pháp cũng đã quy định những DN, những dự án không triển khai trong một thời gian cũng chỉ nên kéo dài một thời gian nhất định, sau đó nên thu hồi lại.
Việc thu hồi lại, tôi thấy rất công bằng. Chúng ta không nên để những DN không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện, chúng ta có quyền thu hồi lại đất đã cho thuê hoặc đã giao. Theo tôi, việc đó hoàn toàn hợp lý và nên làm. Và cần phải làm một cách triệt để, công khai, công bằng đúng pháp luật.
Có như vậy, mới tạo nên một môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, công bằng và từ đó sẽ tạo được cơ hội cho nhà đầu tư khác.
Ngoài thay đổi cách vận động trong thu hút FDI, theo ông cần những cơ chế chính sách gì để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới?
Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài đã đề cập khá đầy đủ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương nên có định hướng một cách rõ ràng, đặc biệt cần đặt ra những tiêu chí cụ thể trong cách lựa chọn các nhà đầu tư. Ví dụ: một địa phương nào đó, mong muốn phát triển ngành công nghệ cao thì cần đưa ra những tiêu chí về việc lựa chọn dự án công nghệ cao là gì; điều kiện của nhà đầu tư sẽ đáp ứng được ra sao.
Thực ra, nhiều người nói rằng, nếu làm theo cách như vậy, thì chúng ta đã tạo ra cơ chế không công bằng, không bình đẳng trong việc gia nhập thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng theo tôi, địa phương có quyền sử dụng đất đai. Do vậy, quyền cấp hay quyền cho là của chính quyền địa phương và quyết định cho nhà đầu tư nào là quyền của địa phương. Với cách tiếp cận như vậy, địa phương hoàn toàn có quyền công bố chính sách của mình một cách rõ ràng thì chắc chắn sẽ được các nhà đầu tư ủng hộ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có những chính sách minh bạch và công bằng vì lợi ích của cả hai phía. Với cách tiếp cận đó thì chúng ta hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của nước ta hiện nay và đặc biệt với những thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh lân cận khác khi chất lượng của dự án đầu tư, chất lượng nhà đầu tư cần được coi trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Xin trân trọng cám ơn ông !