Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Gỡ vướng cho phát triển thương mại miền núi, hải đảo
Ngày cập nhật 29/06/2014

(Tài chính) Theo Bộ Công Thương, tuy đã có bước chuyển biến đáng kể, song hoạt động thương mại ở miền núi, hải đảo mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, cung cấp xăng dầu, vật tư, dụng cụ cho sản xuất của đồng bào các dân tộc.

Kết quả ban đầu

Theo đánh giá của Bộ Công Thương tại Hội thảo "Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo" tổ chức mới đây, kết cấu hạ tầng dịch vụ thương mại trong những năm gần đây được quan tâm đầu tư nên đã có nhiều cải thiện, bước đầu hình thành hệ thống phân phối hàng hoá, như: các chợ đầu mối, chợ, cửa hàng bách hoá, cửa hiệu tạp hoá, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Bên cạnh đó, các chương trình cung cấp thông tin, tuyên truyền, quảng bá về thị trường, về doanh nghiệp, về hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thuỷ, hải sản của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng đã được quan tâm phát triển. Công tác tuyên truyền về thương mại đã góp phần củng cố các hoạt động chính trị, đối ngoại, bảo đảm an ninh, quốc phòng, nhất là đối với khu vực hải đảo trong bối cảnh hiện nay.

Theo báo cáo của Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 5/2014, trên địa bàn các huyện miền núi, hải đảo có khoảng 3.200 chợ, trung tâm thương mại, 44.000 doanh nghiệp và 95.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của khu vực này đạt 661.000 tỷ đồng…

Kết quả trên đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, hải đảo; tạo những chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại khu vực này. Tốc độ tăng trưởng hoạt động thương mại khá, đóng góp một phần cho cơ cấu GDP của địa phương.

Theo ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Bộ Công Thương, hệ thống chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo hiện nay có rất nhiều cơ chế, chính sách được thể chế qua nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, Dự thảo Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đang được Bộ Công Thương hoàn thiện. Theo đó, Chương trình được thực hiện trên phạm vi 62 huyện nghèo và 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định cho huyện nghèo; các huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa khác; các huyện đảo, xã đảo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2015 đến hết năm 2020.

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhằm rút ngắn khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các vùng miền khác; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Song, còn tồn tại bất cập, hạn chế

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, thương mại mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, cung cấp xăng dầu, vật tư, dụng cụ cho sản xuất của đồng bào các dân tộc. Hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nuôi trồng, đánh bắt còn nhỏ lẻ, tự phát.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách trong lĩnh vực này cũng còn nhiều vướng mắc. Các văn bản về thương mại miền núi, hải đảo chưa mang tính hệ thống, đồng bộ, đôi khi còn trùng lặp, chồng chéo gây ra nhiều bất cập khi triển khai thực hiện. Không chỉ vậy, có những khó khăn về thị trường, lưu thông hàng hóa chưa được tháo gỡ hoặc quan tâm đúng mức tại khu vực này.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kỹ thuật thương mại nói riêng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo còn yếu và thiếu, chủ yếu là các chợ, cửa hàng, cửa hiệu truyền thống.

Chú trọng cải thiện cơ chế, chính sách

Bởi vậy, theo các chuyên gia, cần có những cơ chế, chính sách, những chương trình khuyến khích, hỗ trợ phát triển dịch vụ thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, hỗ trợ phát triển các dịch vụ phân phối, giao nhận, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hoá được sản xuất tại các vùng này.

Đặc biệt, phải hỗ trợ phát triển dịch vụ kho hàng nhằm đảm bảo cung ứng các hàng hoá thiết yếu, kể cả trong trường hợp xảy ra thiên tai, bị chia cắt hoặc các điều kiện bất khả kháng khác.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá lại hiệu quả của Chương trình hỗ trợ tài sản trí tuệ (theo Quyết định 2204/2010/QĐ-TTg về việc hỗ trợ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015, trong đó có hỗ trợ quản lý, khai thác tài sản trí tuệ và chỉ dẫn địa lý) đối với hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tiếp tục xem xét khả năng thực hiện Chương trình trong giai đoạn đến 2020, tránh sự trùng lặp giữa các chương trình.

Còn theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, bà Lê Việt Nga đề nghị Tổ soạn thảo Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo làm rõ Nghị định này có tác động như thế nào đến việc thu hút đầu tư tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Ngoài ra, nên lồng ghép Chương trình với các đề án, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đồng thời thúc đẩy, liên kết các ngành dịch vụ phát triển (du lịch, giao thông vận tải...) để phát triển tổng lực Chương trình này tốt hơn.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 3.990
Chung nhan Tin Nhiem Mang