Sau nhiều năm đổi mới, chúng ta đã từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh, đủ sức thu hút hàng vạn dự án đầu tư nước ngoài. Chúng ta đã phát triển các loại hình kinh tế như: Kinh tế Nhà nước, kinh tế đầu tư nước ngoài, kinh tế cổ phần và tư nhân. Tất cả các thành phần kinh tế đều được thừa nhận trong Hiến pháp và dần dần được đối xử ngang bằng, qua khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh, góp phần to lớn cho phát triển kinh tế.
Môi trường pháp lý quyết định độ hấp dẫn đầu tư
Thực tế của công cuộc đổi mới cho thấy, môi trường pháp lý là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định độ hấp dẫn và sức cạnh tranh của môi trường đầu tư cũng như độ ổn định lâu dài, có hiệu quả của tăng trưởng kinh tế đất nước.
Việc ra đời Luật Đầu tư năm 2005 có thể coi là một bước tiến quan trọng và căn bản nhất để hoàn thiện cơ bản môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, phù hợp với tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Luật Đầu tư đã tạo được sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước, đầu tư có vốn nước ngoài, cũng như giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đang quen dần với luật chơi trong các điều ước, thỏa thuận tham gia ký kết, nên các luật có liên quan phát sinh nhiều bất cập.
Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam có điểm xuất phát thấp - một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, với gần 80% là nông nghiệp, lại chịu ảnh hưởng sau nhiều năm chiến tranh, nên khả năng hội nhập chưa cao và hiệu quả quản lý kinh tế theo hướng thị trường hóa còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Có thể đánh giá cao sự năng động chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam, nhưng cũng không thể phủ nhận những yếu kém ngày càng xuất hiện khi chúng ta vận hành nền kinh tế sau mở cửa và hội nhập.
Trong một vài năm tới sẽ hoàn thiện hiệp định thương mại Việt Nam - EU, Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Hiệp định TPP... Khi đó, sẽ còn nhiều vấn đề đặt ra trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam, trong đổi mới thể chế kinh tế và môi trường pháp lý... để đất nước ta có thể hội nhập tích cực, có hiệu quả hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh như đã nói ở trên, việc hoàn thiện thêm một bước môi trường pháp lý về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam lại càng là đòi hỏi cấp bách và là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế trung và dài hạn của chúng ta, để tới năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thời gian qua, sau khi các bản dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì soạn thảo đã được góp ý, phân tích và phản biện qua nhiều hội nghị, hội thảo thì cả hai phía là cơ quan quản lý và DN đều nhận thấy cần thiết phải sửa đổi để cho môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, dễ thực hiện, dễ quản lý giám sát hơn, để kịp trình Quốc hội phê duyệt vào cuối năm 2014.
Có nhiều hạn chế bất cập cần chỉnh sửa. Bài viết này tập trung vào 4 nhóm vấn đề cốt lõi dưới đây, vì nếu không sửa sẽ khó có sự thống nhất, đồng bộ, bình đẳng và phù hợp với thông lệ chung trên thế giới. Đó là: Thành lập DN, vốn góp, bảo vệ cổ đông và vấn đề DN Nhà nước (DNNN).
Kinh doanh có điều kiện mới phải có chứng chỉ hành nghề
Về vấn đề thành lập DN, các thành phần kinh tế khi khởi nghiệp luôn mong muốn thủ tục gọn nhẹ, rõ ràng, nhanh chóng và hồ sơ không quá phức tạp. Việc sửa luật phải đáp ứng điều đó, chỉ cần đến 5, 6 thủ tục và cần 14 ngày xem xét, phê duyệt là đủ. Bởi đối với người quản lý DN, thời gian cũng là tiền bạc. Ngoài ra, cũng nên quy định rõ, nếu thủ tục, hồ sơ đăng ký đầy đủ mà DN phải chờ quá thời gian quy định thì xử lý cán bộ, cơ quan cấp phép thế nào.
Về vấn đề chứng chỉ hành nghề của người quản lý DN, chúng ta đã quy định rõ các loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện và danh mục các ngành nghề bị cấm thì chỉ cần các ngành nghề nào có trong danh mục kinh doanh có điều kiện mới cần có chứng chỉ hành nghề (như kinh doanh dược, lập bệnh viện, phòng khám...). Còn các DN không nằm trong danh mục cấm và danh mục kinh doanh có điều kiện, không cần chứng chỉ hành nghề và không cần phải đăng ký quá nhiều lĩnh vực. Chỉ nên nêu một số lĩnh vực chủ yếu mà DN kinh doanh, sản xuất, còn khi có nhu cầu sản xuất, kinh doanh ngành nghề mới chỉ cần thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý biết (đặc biệt là thuế và hải quan để biết rõ mã hàng và thuế suất...) là đủ.
Lượng hóa vốn góp “vô hình”
Vốn góp cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để vận hành DN, trong đó có vốn hữu hình (tiền mặt, cổ phần, nhà xưởng, đất đai) và vốn vô hình như các phát minh, tri thức quản lý và điều hành…
Trong thực tế ở những nền kinh tế phát triển, những phát minh, sáng chế và kinh nghiệm quản lý… có khi còn mang tầm quan trọng hơn các nguồn vốn hữu hình khác. Trong khi rất khó lượng hóa vốn vô hình theo một tiêu chí cụ thể.
Việc bảo vệ cổ đông cũng là vấn đề khá quan trọng vì môi trường pháp lý về đầu tư và kinh doanh có các quy định bảo vệ cổ đông, thì nhà đầu tư quan ngại, sợ rủi ro cao (đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài) nên không khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư.
DNNN cần được định giá cả thương hiệu và uy tín
Luật Đầu tư và Luật DN được ban hành năm 2005 đã đặt các DNNN trước những cung cách quản lý mới và phải được đối xử bình đẳng như mọi thành phần kinh tế khác.
Trong thực tế nhiều năm, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã nắm giữ nhiều ngành trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam và đã có những đóng góp đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, do là DNNN nên đã được hưởng nhiều ưu đãi lớn cả về đất đai tiền vốn được ưu đãi vay, được khoanh nợ khi thua lỗ. Những năm gần đây, các DNNN tuy chiếm tỷ lệ vốn đầu tư rất lớn nhưng tỏ ra kém hiệu quả, nhiều tập đoàn kinh tế thua lỗ, tham nhũng, tham ô... rất phức tạp làm xói mòn lòng tin của nhân dân, Quốc hội và Chính phủ.
Do vậy việc cải tổ các DNNN, đặc biệt là các tổng công ty và tập đoàn kinh tế là một đòi hỏi cấp bách và phải tái cơ cấu, cổ phần hóa một cách triệt để, minh bạch với mục đích sau cải tổ, các DNNN hoạt động hiệu quả hơn.
Vấn đề DNNN là nội dung hết sức quan trọng trong sửa đổi Luật DN lần này. Chúng ta nên xem xét ngành nào nhất định phải cần DNNN điều hành quản lý, ngành nào nên để các DN ở các thành phần kinh tế khác làm sẽ tốt hơn, ngành nào DNNN nên và cần chiếm trên 51% vốn góp để đủ sức chi phối khi nền kinh tế gặp những rủi ro bất trắc.
Việc các cơ quan quản lý Nhà nước hành xử với các DNNN cũng phải bình đẳng đối với các DN thành phần không có vốn của Nhà nước, đặc biệt là minh bạch hóa trong quản lý và cung cấp thông tin.
Việc đánh giá tài sản cả vô hình và hữu hình trong DNNN là rất quan trọng, phải làm chuẩn xác. Vì đất đai, nhà xưởng, cơ quan điều hành quản lý thường ở các thành phố lớn, ở các vị trí rất đắt giá nên cần tính đúng tính đủ theo mặt bằng giá thực tế để đánh giá về tài sản của DNNN thực sự khách quan. Cần phải nhấn mạnh định giá tài sản của DNNN cả thương hiệu và uy tín khi cổ phần hóa các DNNN.
Trong quá khứ chúng ta đã bị sơ hở lớn trong vấn đề định giá tài sản để cổ phần hóa DNNN nên đã gây ra nhiều tổn thất to lớn cho đất nước.
Các nhóm vấn đề cần sửa với phân tích ở trên là những nội dung quan yếu cần chỉnh sửa kỹ càng, minh bạch và dễ thực hiện cho cả hai phía - cơ quan quản lý và các DN ở mọi thành phần kinh tế.
Chúng ta đều hiểu rằng, không thể quy định quá chi tiết, quá chặt chẽ, thiếu đồng bộ giữa các luật, song cũng không quá dễ dãi, quá cởi mở để các DN xấu lợi dụng, làm tổn hại cho nền kinh tế, đặc biệt là các DN có yếu tố nước ngoài.
Trong những biến động đang diễn ra ở Biển Đông càng nhắc nhở người làm luật phải có cách nhìn mới trong quan hệ phát triển kinh tế và an ninh kinh tế - quốc phòng.