Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn ngoại
Ngày cập nhật 17/07/2014

(Tài chính) Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các dòng vốn quốc tế nhờ yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đang có những thay đổi tích cực về chất. Nguồn vốn này giảm mạnh ở bất động sản (thu hẹp chỉ còn 10%) và chuyển dịch tích cực sang lĩnh vực tạo tăng trưởng thực sự cho nền kinh tế là chế biến chế tạo với 70%.

Dẫn lời ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. FDI chính là điểm sáng trong tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay…

Trên thực tế, nhiều địa phương trong cả nước tiếp tục thu hút được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử, đầu tháng 7 này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty Samsung Display thuộc Tập đoàn Samsung. Đây là dự án thứ 3 của hãng công nghệ Hàn Quốc tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Yên Phong.

Theo một số chuyên gia tài chính thế giới, khi nguy cơ bong bóng tài chính tại nhiều nền kinh tế phát triển ngày càng lớn, các thị trường mới nổi đầy tiềm năng như Việt Nam sẽ có sức hút ngày càng tăng đối với các nhà đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng cơ hội đầu tư tại Việt Nam vẫn còn nhiều, nhất là xu hướng các công ty toàn cầu dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang vẫn đang tiếp diễn, khi mà giá nhân công tại thị trường này đã tăng đến 75% trong 5 năm trở lại đây.

Ông Simon Andrew, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế Việt Nam cho rằng: Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các dòng vốn quốc tế nhờ yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Thực tế đang cho thấy, Việt Nam vẫn là một môi trường đầu tư tốt và Chính phủ đang có những nỗ lực rất lớn như chuẩn bị sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư theo hướng tạo thuận lợi nhiều hơn cho DN đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế như: Hạ lãi suất cho vay, giảm thuế cho các cá nhân và DN, tái cấu trúc các DN nhà nước (DNNN)...

Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình cùng các đối tác liên quan hoàn tất một loạt các hiệp định tự do thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA)... Việc ký kết các hiệp định này và việc Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển và là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Song, để thu hút hiệu quả dòng vốn FDI, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải cách chính sách thu hút đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi; tăng sức thu hút và giữ nguồn vốn này ở lại lâu dài cũng như đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Theo ông Simon Andrew, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế Việt Nam: Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh tính minh bạch, cắt giảm thủ tục hành chính. Đồng thời quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu và cổ phần hóa DNNN.

Cũng về vấn đề này TS. Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Bên cạnh những yếu tố về ưu đãi đầu tư, các yếu tố về thay đổi thể chế, về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư hay là hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì Việt Nam cần chú ý đến 1 yếu tố rất quan trọng là nâng cao trình độ đào tạo của người lao động.

Bên cạnh đó, ông Tiến nhận định, đến giờ chúng ta vẫn chủ yếu sử dụng công cụ ưu đãi đầu tư mà chưa có những thay đổi cơ bản về chất trong chính sách thu hút đầu tư. Nếu chúng ta thay đổi được căn bản điều kiện liên quan tới các DN trong nước, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường... sẽ thu hút được nhiều hơn nữa những dự án FDI chất lượng cao.

 

Theo chinhphu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.344.565
Truy câp hiện tại 69
Chung nhan Tin Nhiem Mang