Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam
Ngày cập nhật 07/08/2014

(Tài chính) Chiều ngày 29/7/2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã có thông cáo báo chí về việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Cụ thể, mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ được tăng lên 1 bậc, từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là Ổn định.

Đồng thời, mức trần tín nhiệm đối với trái phiếu dài hạn phát hành bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam được nâng từ mức B1 lên mức Ba2, mức trần tín nhiệm đối với tiền gửi ngoại tệ dài hạn được nâng từ mức B3 lên mức B2.

Moody’s đưa ra các lý do giải thích cho việc nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam bao gồm: (1) kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định kể từ năm 2012, đặc biệt là chỉ số giá cả, tăng trưởng kinh tế mặc dù có chậm lại so với hai thập kỷ qua nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong cùng nhóm xếp hạng. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm xuất khẩu tăng trưởng mạnh góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. (2) việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao đã giúp cải thiện cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại của Việt Nam. Cùng với kim ngạch nhập khẩu có mức tăng trưởng thấp hơn đã giúp cho cán cân vãng lai chuyển từ thâm hụt sang thặng dư đáng kể, góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất là 35,9 tỷ USD vào cuối tháng 4/2014 và duy trì ổn định tỷ giá; (3) hoạt động của khu vực ngân hàng đã dần dần ổn định, làm hạn chế nguy cơ rủi ro đối với ngân sách của Chính phủ.

Mức triển vọng xếp hạng tín nhiệm được đánh giá là Ổn định, thể hiện Moody’s nhận định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì ổn định và điều này sẽ là yếu tốt tích cực đối với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia.

 

Moody’s cho rằng sẽ xem xét tiếp tục nâng bậc xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam trong trường hợp Việt Nam có sự cải thiện mạnh mẽ về tình trạng tài chính của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, điều này đồng nghĩa với việc giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách của Chính phủ.

 

Đối với công tác xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong quá trình làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của quốc gia của Việt Nam là một thông tin có ý nghĩa tích cực, tạo sự tin cậy hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời nâng cao uy tín của quốc gia.

Hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số đánh giá về khả năng tài chính cũng như khả năng hoàn trả đúng hạn tiền gốc và lãi các khoản nợ của một quốc gia. Hệ số tín nhiệm quốc gia càng thấp thì mức độ rủi ro về khả năng không thanh toán được các khoản nợ càng cao.

Theo Quyết định số 61/2013 của Thủ tướng Chính phủ, có 6 loại thông tin cần thiết cho công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia gồm: 1) Thông tin chung về kinh tế-xã hội; 2) Thông tin về tài khóa; 3) Thông tin về tiền tệ, ngân hàng; 4) Thông tin về kinh tế đối ngoại; 5) Thông tin về chính trị; 6) Các thông tin kinh tế-xã hội khác trên cơ sở đề xuất của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng cung cấp của các cơ quan, tổ chức có liên quan của Việt Nam.

Mục đích cung cấp thông tin, số liệu nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và xây dựng báo cáo tổng quan về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam phục vụ công tác xếp hạng tín nhiệm của quốc gia.

 

Theo mof.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.344.565
Truy câp hiện tại 40
Chung nhan Tin Nhiem Mang