Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Sau khi hạ xếp hạng tín nhiệm Việt Nam năm 2010, lần đầu tiên sau hơn 3 năm, Moody's vừa nâng xếp hạng quốc gia từ B2 lên B1 do môi trường vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế tiến triển.
Đánh giá về kết quả này, báo cáo mới đây, ANZ chia sẻ quan điểm với hãng xếp hạng tín nhiệm. Tuy vậy, định chế này cho rằng sự cải thiện về các điều kiện kinh tế vẫn còn chậm: Tăng trưởng thấp hơn mức tiềm năng, số doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động lên hơn 37.600 đơn vị trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới đạt gần 3,7%, cách xa mức 12-14% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra và nhiều khả năng không đạt mục tiêu.
"Mặc dù có những tiến triển trong nền kinh tế vĩ mô, Việt Nam vẫn phải làm nhiều hơn nữa", nhóm nghiên cứu của ANZ nhấn mạnh. Trong đó, giải quyết nợ xấu thành công sẽ giúp tháo gỡ nút thắt chính.
Với thực trạng tăng trưởng tín dụng thấp, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các nhà băng thương mại tăng khả năng cho vay không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, nợ xấu lớn vẫn khiến các tổ chức ngần ngại.
Số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 3,61% cuối năm ngoái lên 4,84% vào tháng 6 năm nay. Nếu Thông tư 02 và 09 về phân loại nợ được áp dụng trong vài tháng tới, tỷ lệ này có thể tăng thêm đáng kể, dẫn tới tăng trích lập dự phòng rủi ro và làm giảm tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, Công ty Quản lý tài sản (VAMC), một đơn vị được thành lập để giúp giảm nợ xấu lại hoạt động không hiệu quả. Cơ quan này dự kiến sẽ mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay và có ý định bán lại một số khoản nợ cho nhà đầu tư nước ngoài, song các nhà đầu tư lại chỉ sẵn sàng mua ở mức giá bằng 20 - 40% giá trị.
Không chỉ vậy, các ngân hàng cũng không muốn bán nợ xấu cho VAMC, thay vào đó, họ lựa chọn xóa các khoản này bằng cách bán lại tài sản thế chấp. Tuy nhiên, điều này đang vướng bởi quy định các ngân hàng chỉ được nắm giữ tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ.
"Giải quyết nợ xấu sẽ là chìa khóa để kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở ngưỡng tiềm năng", ANZ khuyến nghị.
Liên quan đến đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia về tăng lương tối thiểu vùng thêm 400.000 đồng, lên 3,1 triệu đồng (vùng 1) vào năm 2015, ANZ cho rằng đây là nỗ lực để cải thiện niềm tin trong nước, trong bối cảnh nhu cầu yếu. "Mức lương tối thiểu cao hơn có thể thúc đẩy sự tự tin của người tiêu dùng", cơ quan này cho hay.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam do ANZ công bố đã tăng lên 134,1 điểm trong tháng 7, cao hơn mức trung bình (131 điểm). Thặng dư cán cân thương mại duy trì ở mức 1,3 tỷ USD đến cuối tháng 7, so với mức thâm thụt 300 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế vẫn là một tấm đệm cho tăng trưởng.
Theo vnexpress.net