Các đại biểu tại Hội thảo Nâng cao vị thế của Việt Nam hướng về cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và sau 2015. Nguồn: internet
Việc ra đời cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 sẽ đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong xu thế hội nhập kinh tế của toàn khối 10 nước ASEAN. Khi đó, AEC sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do (FTA) mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khu vực sẽ được cắt giảm dần về 0%.
Thời gian tiến đến việc thành lập AEC không còn nhiều, quá trình hoàn thiện năng lực cũng như vị thế kinh tế của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ nhằm tận dụng được lợi thế của AEC, vượt qua những thách thức trong xây dựng thể chế, cải cách quy định…
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Quy tắc xuất xứ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2012 ưu đãi về thuế quan, quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa của Việt Nam đối với ASEAN ít được tận dụng. Các hành hóa chủ lực được tận dụng trong năm 2013 đặc biệt là những mặt hàng thủy sản nhờ loại bỏ các rào cản về thuế, mức độ quy tắc xuất xứ…
“Một số sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đạt được các quy xuất xứ dễ dàng nhưng cũng chính là sự thuận lợi của các quốc gia khác. Do đó cần tận dụng chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, phải phát triển công nghiệp phụ trợ như dệt may, da dày, linh kiện điện tử, tận dụng nguồn nhiên liệu trong khối…Tận dụng nguồn nguyên liệu trong khối cũng như tăng cường việc xuất khẩu hàng hóa trong khối này”, bà Hiền đề xuất.
GS. Hidetoshi Nishimura, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ARIA) cho rằng, các quốc gia phải có những cải cách sâu hơn trong đó cần quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời đảm bảo việc điều phối hiệu quả giữa các cơ quan Chính phủ với nhau.
“Hầu hết những cải cách liên quan đến AEC là phải thay đổi những thông lệ và thủ tục cũng như củng cố thêm thể chế và sự điều phối giữa các cơ quan Chính phủ. Cải thiện cơ chế quản trị trong kế hoạch xây dựng AEC phải chủ trọng cải cách thể chế sâu rộng hơn. Đây cũng chính là những thách thức của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam”, GS. Hidetoshi Nishimura cho biết .
Theo TS. Võ Chí Thành, khó khăn chính của Việt Nam hiện nay trước thềm ra nhập AEC chính là năng lực, bên cạnh việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cùng quá trình tự do hóa không chỉ với ASEAN, khu vực và thế giới thông qua những hiệp định.
“Việt Nam còn khó khăn khi xây dựng cổng thông tin tổng hợp về chuẩn hóa thương mại và đầu tư. Do đó, Việt Nam đang cố gắng làm sao để cải cách thể chế gắn với việc xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng với chi phí giao dịch gắn với những thủ tục hành chính giảm… như thế tính hấp dẫn của Việt Nam mới đầy đủ”, TS. Võ Chí Thành cho biết.
TS. Thành cũng chỉ rõ, hiện nay kết cấu hạ tầng của Việt Nam mặc dù có tiềm năng nhưng chủ yếu phát triển theo trục và còn nhiều khó khăn về khoảng cách. Trong khi đó, dịch vụ logictic ở Việt Nam vẫn chưa được nhận thức đầy đủ khi hải cảng, kho bãi đều do nhà nước quản lý và đang trong tiến trình cổ phần hóa, chỉ có khoảng 20% các kho đảm bảo chất lượng quốc tế. Mặc dù vậy, chính logistic lại là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
“AEC mong muốn có những giao dịch kinh doanh với phí phải giảm, minh bạch và rõ ràng trong chính sách, tạo sự thuận lợi trong quá trình dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ kể cả lao động. Các nhà đầu tư nhìn vào AEC với những đặc trưng ấy để thấy AEC như một nơi đáng để đầu tư. Tuy nhiên, hội nhập kết nối chưa đủ mà còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề nội tại của mỗi quốc gia”, TS. Thành cho hay.
Để chứng tỏ vị thế của mình trong tiến trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hơn lúc nào khác phải tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực và trong từng ngành và cải cách thể chế, làm cho môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng hơn bằng nguyên tắc thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nguồn nhân lực.
“Tỷ trọng đầu tư giảm xuống sẽ khiến hiệu quả đầu tư giảm. Khi số lượng đầu tư giảm thì tăng trưởng chưa thể cao lên đc. Quá trình cải cách kinh tế Việt Nam như con chim 2 cánh: Hội nhập kinh tế và thị trường hóa trong nước, nếu con chim có 2 cánh đập đều thì chúng ta bay lên. Sau 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, quá trình cải cách trong nước chững lại để chuyển sang kinh tế thị trường. Do vậy, cơ hội chỉ có thể tạo ra được bằng việc hội nhập ra nước ngoài”, TS. Cung phân tích.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp nhà nước hiện nay vẫn có nhiều chính sách ưu đãi với “ngân sách mềm” tạo nên việc thiếu tính cạnh tranh. Do đó nên tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bằng khung quản trị hiện đại trong đó đẩy nhanh việc thoái vốn, tư nhân hóa một số lĩnh vực. Tuy nhiên những vấn đề này đang diễn ra rất chậm.
Bày tỏ quan điểm trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nhất thiết phải tái cơ cấu đầu tư công, giảm thâm hụt ngân sách, không đầu tư công vào những lĩnh vực có thể tư nhân hóa. Đối với các tổ chức tín dụng phải sử lý được nợ xấu rất lớn cản trở việc phân bổ tín dụng theo cơ chế thị trường là cốt lõi trong 3 – 5 năm tới đây. Nếu ko xử lý nợ xấu khó đạt tăng trưởng cao.
“Thể chế và môi trường kinh doanh là giải pháp mạnh mẽ cho môi trường kinh doanh, lấy chỉ tiêu trung bình của ASEAN 6 sẽ cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh. Hai chỉ tiêu quan trọng là nộp thuế và thương mại qua biên giới nếu đạt được sẽ có tác động rất lớn”, TS. Cung chỉ rõ.