FDI là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Nguồn: internet
Tình hình thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm
Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng năng động, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn 1991-2010 là khoảng 7,5% và 6,5% trong giai đoạn 2011-2013 dù gặp rất nhiều khó khăn. Đóng góp vào thành công chung này phải kể đến vai trò to lớn của nguồn vốn FDI. Nhiều năm qua, dù nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, song lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn rất khả quan. Năm 2013, lượng vốn đăng ký lên tới 22,3 tỷ USD; Vốn giải ngân tăng lên 11,5 tỷ USD. Xu thế này tiếp tục được thể hiện qua kết quả 6 tháng đầu năm 2014, cụ thể:
Về tình hình giải ngân vốn FDI: Trong 6 tháng đầu năm 2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,75 tỷ USD, tăng 0,9 % so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân đã bắt đầu tăng với tốc khá nhanh. Đây là một chỉ báo cho thấy các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kết quả giải ngân vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2014 là tương đối tốt và có tính ổn định. Nếu tiếp tục duy trì được tình hình này, thì mục tiêu giải ngân khoảng 11 tỷ USD trong năm 2014 khả năng sẽ đạt được.
Về tình hình cấp Giấy chứng nhận đầu tư: Tính đến ngày 20/6/2014, cả nước có 656 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 4,85 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2013. Đến ngày 20/6/2014, có 219 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,99 tỷ USD, bằng 37% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu tính chung cả cấp mới và tăng vốn, các NĐT nước ngoài đã đăng ký đầu tư 6,85 tỷ USD, bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013.
Về lĩnh vực đầu tư: Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của NĐT nước ngoài với 326 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng năm 2014. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 2 với 58 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 465,4 triệu USD, chiếm 6,8%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 16 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 692,3 triệu USD, chiếm 10,1%. Tiếp theo là lĩnh vực Y tế và trợ giúp xã hội với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 258,9 triệu USD.
Về đối tác đầu tư: Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,55 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 806 triệu USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là Singapore với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 732,1 triệu USD, chiếm 10,69% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trước việc một số DN FDI bị thiệt hại do các hành động quá khích phản đối Trung Quốc, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh và hỗ trợ DN sớm phục hồi sản xuất. Con số trên 95% DN trở lại sản xuất và cam kết tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam minh chứng sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Về địa phương thu hút đầu tư: Trong 6 tháng đầu năm 2014, NĐT nước ngoài đã đầu tư vào 43 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 886,3 triệu USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 876,05 triệu USD, chiếm 12,8%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 688,37 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, chiếm 10%. Tiếp theo là Quảng Ninh với 573,5 triệu USD, Hải Dương với 382,1 triệu USD, Tây Ninh với 349,9 triệu USD.
Về dự án đầu tư đáng chú ý: 6 tháng năm 2014 đã chứng kiến nhiều dự án đầu tư lớn trên khắp cả nước. Đầu tiên phải kể đến dự án Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long (Nhà máy Xi măng Thăng Long) do NĐT Indonesia đầu tư tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 352,65 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Bệnh viện quốc tế Đại An Việt Nam - Canada tại Hải Dương với tổng vốn đầu tư 225 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Khu công nghiệp Texhong Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD…
Về tình hình xuất, nhập khẩu của khối DN FDI: Trong 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) dự kiến đạt 47,82 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 67,5% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong 6 tháng đạt 43,75 tỷ USD tăng 17,2% so với cùng kỳ 2013. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực này tính đến tháng 6/2014 đạt 39,29 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 56,5% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, tính chung 6 tháng, khu vực FDI xuất siêu 8,52 tỷ USD.
Tiếp tục cải thiện môi trường, thu hút đầu tư
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết và hành động theo hướng tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các NĐT nước ngoài cũng như không ngừng cải thiện về luật pháp và thể chế, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nỗ lực triển khai lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đặc biệt, trước việc các DN FDI bị thiệt hại trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ các biện pháp để đảm bảo an toàn, an ninh và hỗ trợ DN sớm phục hồi sản xuất. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các NĐT, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN FDI hoạt động tại Việt Nam. Có thể nói, con số trên 95% DN đã trở lại sản xuất và cam kết tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam một lần nữa minh chứng sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mắt NĐT nước ngoài.
Viết tiếp câu chuyện thành công trong thu hút FDI, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Rất nhiều giải pháp đồng bộ đã được đặt ra, trong đó trọng tâm vào 3 lĩnh vực “đột phá chiến lược” thực hiện từ nay cho đến năm 2020 như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đề ra từ hồi đầu năm, gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và khung khổ pháp luật; Xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong trong trung và dài hạn, Việt Nam chủ trương tiếp tục thu hút mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam sẽ ưu tiên hướng vào nguồn vốn FDI “chất lượng cao”, cụ thể là các dự án có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; Có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, DN phụ trợ. Đồng thời, khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất; Chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, từng địa phương…
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, dự kiến giai đoạn 2014 - 2016, vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh do kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tốt hơn ở mức là 3% và 3,3%. Đặc biệt, sau nhiều năm vật lộn với khủng hoảng, kinh tế Việt Nam đang dần được phục hồi và ổn định, tạo lập được niềm tin và sức hấp dẫn với các NĐT nước ngoài. Bên cạnh đó, quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu của Việt Nam đang dần đi đến hồi kết, với khả năng ký kết ngay trong năm 2014. Điều này cũng cho thấy triển vọng tươi sáng của 6 tháng cuối năm cũng như khả năng đạt được mục tiêu đề ra trong cả năm 2014.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 - 2014