Sản lượng tăng, giá thành giảm
Ông Hoàng Văn Sửu, người nuôi tôm ở xã Phong Hải buồn bã, vụ nuôi này tôm nuôi rớt giá, bình quân mỗi hồ tôm thu hoạch với sản lượng từ 10-12 tấn. Tôm bán rớt giá nên mỗi hồ bình quân mất khoảng 150 triệu đồng. Trong khi đó, mọi chi phí đầu vào đều tăng, thức ăn có giá cao hơn 5.000 đồng/kg so với đầu năm. Cùng cảnh ngộ giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú ở đầm phá cũng rớt giá. Đang thu hoạch hồ tôm sú của mình, anh Trần Văn Minh, ở xã Phú An (Phú Vang) cho biết: “Năm nay, tôm nuôi được mùa nhưng lại rớt giá nên bà con không vui. Năm 2014, gia đình tôi thả nuôi 1 ha, với gần 10 vạn con tôm giống. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, thu hoạch 1,2 tấn tôm thịt, nhưng chỉ bán với giá 110 ngàn đồng/kg, giảm 20 ngàn đồng/kg so với năm trước.
Năm nay, tôm nuôi được mùa là nhờ bà con chấp hành nghiêm khung lịch thời vụ của ngành thuỷ sản đưa ra, khi tôm nuôi xảy ra dịch bệnh, các hộ nuôi báo ngay với chính quyền địa phương và ngành chức năng có biện pháp khoanh vùng, dập dịch kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng. Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi nước lợ, mặn hơn 4.300 ha, đạt 100% so với kế hoạch năm. Đến thời điểm này, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch gần 6.000 tấn tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua và cá; tăng 30% so cùng kỳ. Trong quá trình nuôi, người nuôi thực hiện đúng khuyến cáo của ngành thủy sản nên đã tránh được thời tiết khắc nghiệt, nhờ đó sản lượng năm 2014 dự kiến đạt 16.000 tấn; tăng 10% so với năm 2013”.
Nâng cao chất lượng tôm nuôi
Anh Nguyễn Văn Bảy, người nuôi tôm ở thôn C, Phong Hải (Phong Điền) bức xúc, bà con chúng tôi nuôi tôm nhưng năm nào cũng được mùa là mất giá. Hễ tôm rớt từ 10-15 ngàn đồng/kg, thì một hồ tôm mất khoảng 150 triệu đồng. Để giá tôm được ổn định, bà con mong các cơ quan chức năng làm việc với các công ty chế biến thủy sản thu mua sản phẩm, ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất”.
Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đứng chân tại huyện Phong Điền sẽ thu mua sản phẩm cho người nuôi với điều kiện hộ đó phải mua con giống, thức ăn của công ty. Một vài trường hợp không có hợp đồng, cam kết rõ ràng nên quyền lợi người nuôi tôm không được bảo đảm. Đó là, có hộ nuôi mua thức ăn của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam trong vòng 2 tháng, khi mua công ty hứa sẽ mua tôm, nhưng đến lúc thu hoạch công ty lại không mua, với lý do không mua thức ăn trong suốt mùa vụ (vụ tôm 2,5 tháng). Tương tự, có một số hộ nuôi mua thức ăn, con giống của công ty, phía công ty hứa sẽ thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch, thế nhưng do không có hợp đồng nên đến lúc thu hoạch công ty không thực hiện lời hứa ban đầu.
Để tránh điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, cần tạo sự liên kết giữa người nuôi tôm và các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn để sản phẩm của người dân có nơi tiêu thụ ổn định; đồng thời, các doanh nghiệp không phải mua nguyên liệu từ ngoại tỉnh. Nhưng để làm được việc này, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tập huấn với người nuôi tôm về quy trình nuôi tôm theo VietGap. Đồng thời, chính quyền địa phương các cấp cũng cần phối hợp, làm việc với các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh để có hướng ký kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người nuôi.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng, Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết, thời gian tới, chi cục sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp và các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh để có hướng bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên, để làm được việc này, trước hết người nuôi cần chấp hành nuôi tôm theo công nghệ sạch.