Thép tiêu thụ chậm nên nhiều doanh nghiệp trong ngành không có nhu cầu vay vốn. Ảnh: Lê Quang Nhật
Tổng thư ký hiệp hội Thép Việt Nam, Phạm Chí Cường cho biết từ đầu năm đến nay, tiêu thụ thép vẫn dậm chân tại chỗ. Quý 1 này, ước sản lượng thép tiêu thụ giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, trong câu chuyện với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, vấn đề đói vốn, lãi suất đắt đỏ không còn được tổng thư ký hiệp hội Thép nhắc đến như một vấn đề nóng như nhiều lần trao đổi trước đó. Ông Cường lý giải: “Những doanh nghiệp kinh doanh khả quan thì được nhiều ngân hàng chèo kéo vay vốn, kể cả ngân hàng ngoại. Những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, phần nhiều tìm cách co lại hoạt động, ít nhu cầu vay vốn hoặc ngại ngần không dám vay vì lo nguồn đâu trả nợ”.
Người ăn không hết kẻ lần chẳng ra
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bao bì xuất khẩu chia sẻ: hợp đồng đã được ký kết với đối tác ngoại đủ để hoạt động cho cả năm 2013 với doanh thu ước đạt từ 500 – 700 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2010, doanh nghiệp trót vay vốn ngân hàng gần trăm tỉ đồng, đầu tư mấy miếng đất. Nay thị trường bất động sản đóng băng, đất không bán được, doanh nghiệp vẫn phải è cổ trả lãi ngân hàng. Ông than: “Lợi nhuận từ sản xuất bao bì xuất khẩu, chắt chiu cũng chỉ trên dưới 10%, không đủ gánh khoản lãi vay đầu tư bất động sản trước đó, nên khoản nợ của chúng tôi cũng bị xếp vào diện xấu”. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã chạy đôn chạy đáo lo vốn thực hiện hợp đồng xuất khẩu đã ký mà chưa đâu vào đâu vì ngân hàng nào cũng ngại khi thấy tên doanh nghiệp trong hồ sơ nợ xấu!
“Doanh nghiệp có nhu cầu vốn lại có cả điều kiện trả nợ giờ như một cô gái vừa đẹp người, đẹp nết, nhà lại có điều kiện, nên “anh ngân hàng” nào cũng muốn chăm sóc, ve vãn, tán tỉnh, trong khi cô ấy chỉ có thể chọn một anh mà thôi”, tổng giám đốc một ngân hàng hóm hỉnh so sánh. Ở tình huống ngược lại, ông kể vừa từ chối cho vay vốn một doanh nghiệp vật liệu xây dựng vì nhu cầu vay vốn của họ là để tiếp tục nhập khẩu vật liệu nhằm bình quân giá cho lô hàng đã trót nhập giá cao trước đó. “Lo giảm chi phí đầu vào trong khi thị trường đầu ra vẫn mịt mờ là một bài toán kinh doanh sai lầm, ngân hàng không thể sa lầy cùng doanh nghiệp được”, ông nói.
Ngân hàng phải chấp nhận “cắt lỗ”
Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính Lê Xuân Nghĩa nhận định: về cục bộ, tín dụng đang có hiện tượng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”, song tổng thể, tín dụng đang ế ẩm. “Như vậy là nền kinh tế đang thiếu tiền trầm trọng”, ông Nghĩa nói và phân tích, vốn đầu tư từ ngân sách thông thường ba tháng đầu năm chưa giải ngân được nhiều, vốn tín dụng lại càng nhỏ giọt. Mặc dù tháng 2, tăng trưởng tín dụng có nhích lên 0,26% (chưa đến 10.000 tỉ đồng), song tính chung hai tháng vẫn giảm 0,28%.
Để tháo gỡ cho vấn đề này, ông Nghĩa cho rằng, cần gấp rút xử lý nợ xấu, đồng thời Chính phủ nên đứng ra bảo lãnh cho một số doanh nghiệp đang vướng nợ xấu mà vẫn có khả năng phục hồi vay vốn như doanh nghiệp bao bì đã kể trên là một ví dụ. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng phải hạ hơn nữa lãi suất cho vay vốn mới tạo động lực cho doanh nghiệp.
Về góc độ này, thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng lần lượt công bố các chương trình cho vay ưu đãi, lãi suất xấp xỉ 10%/năm – được coi là khá mềm. Tuy nhiên, tính tổng lượng vốn có lãi suất thấp đó chỉ vài chục ngàn tỉ đồng – quá nhỏ trong tổng dư nợ của cả nền kinh tế, nghĩa là mặt bằng giá vốn còn khá cao.
“Các doanh nghiệp, điển hình là lĩnh vực bán lẻ ồ ạt khuyến mãi, giảm giá, thậm chí bán cả dưới giá thành để kéo sức mua. Nếu tiếp tục ế khách, ngân hàng cũng phải thế thôi”, phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại nhận định. Ông cho biết, hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ông âm đến 7 – 8%, song trong hơn hai tuần vừa qua đã tăng được xấp xỉ 5.000 tỉ đồng. Có được kết quả bước đầu này, là do ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay còn 9%/năm.
Mới đây, một loạt ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn xuống dưới mức trần 8%/năm, như Vietcombank còn 7,5%/năm (giảm 0,5%); ACB còn 7,8%/năm (giảm 0,2%/năm); SCB còn 7,92%/năm (0,08%/năm)…
Động thái này, theo một chuyên gia tài chính, các ngân hàng đang dư dả vốn khả dụng, mặt khác cũng để giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, trở lại câu chuyện doanh nghiệp vật liệu xây dựng bị từ chối cho vay với kinh nghiệm tăng 5.000 tỉ đồng của ngân hàng nói trên, có thể thấy rằng, để giải phóng “tồn kho”, ngân hàng không chỉ lo giảm chi phí, mà còn phải chấp nhận hạ giá vốn thấp hơn nữa. Kể cả mặt bằng giá vốn đầu vào hiện vẫn cao, ngân hàng vẫn phải cắt lỗ.
Thảo Nguyễn (Theo SGTT)