Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Đồng loạt triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung TMS
Ngày cập nhật 03/04/2015

(Tài chính) Đây là mục tiêu đang được Tổng cục Thuế quyết liệt thực hiện nhằm thiết lập hệ thống ứng dụng tác nghiệp lõi hiện đại, tiên tiến theo chuẩn quốc tế, đáp ứng và hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý tại tất cả các cấp trong ngành thuế.

Lợi ích và kết quả đã được khẳng định 
 
Được thiết kế để thay thế 16 ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế đang triển khai phân tán tại cục thuế và chi cục thuế, đáp ứng được toàn bộ các khâu xử lý dữ liệu cho các quy trình nghiệp vụ: đăng ký thuế, quản lý hồ sơ, quản lý và xử lý kê khai quyết toán thuế, kế toán thuế nội địa, quản lý nợ, báo cáo phân tích, đánh giá..., việc triển khai ứng dụng TMS ngay từ đầu đã cho thấy nhiều lợi ích cơ bản như: dễ dàng áp dụng một quy trình nghiệp vụ quản lý thuế chuẩn trên toàn quốc ở cả 3 cấp của ngành thuế; cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế một cách nhanh chóng, chính xác; tránh được các sai sót khi trao đổi dữ liệu giữa các cấp và các hệ thống; giảm thiểu chi phí vận hành và triển khai hệ thống; nâng cấp dễ dàng và tận dụng được các tính năng công nghệ mới để tối ưu hóa tốc độ của hệ thống. Đặc biệt, chế độ kế toán thuế nội địa mà Tổng cục Thuế ban hành năm 2014 chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng của TMS.
 
Mặc dù vậy, để có được sự thận trọng cần thiết khi triển khai áp dụng, trong quá trình triển khai thí điểm TMS tại Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu và Cục Thuế Bắc Ninh cùng các chi cục thuế trực thuộc, Tổng cục Thuế đã thường xuyên nắm bắt thông tin, ghi nhận vướng mắc, đồng thời có phương án hỗ trợ các cơ quan thuế trong việc chuyển đổi dữ liệu. Chưa hết, Tổng cục Thuế còn đề nghị Ngân hàng Thế giới tiến hành khảo sát để có những đánh giá minh bạch và công bằng. Cho đến khi có được sự ghi nhận thống nhất về tính ưu điểm, khả thi, của ứng dụng, từ tháng 7/2014, TMS được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xác định là hệ thống ứng dụng tác nghiệp lõi chính thức và duy nhất hỗ trợ công tác quản lý của các cấp trong ngành thuế. 
 
Có sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan đầu não và sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị tiếp nhận, kế hoạch triển khai TMS như được tiếp thêm động lực để chỉ trong chưa đầy 1 năm, đã có 27 cục thuế vận hành ứng dụng mới phục vụ công tác quản lý. Theo đánh giá của các cục thuế, về cơ bản hệ thống TMS đã đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với các nghiệp vụ  cơ bản trong toàn hệ thống với tổng số 9.532.767 khoản nợ/nộp thừa, 233.339 khoản còn được khấu trừ, 9.956.015 tờ khai chi tiết, 1.089.092 dòng đăng ký tờ khai phải nộp đã được chuyển đổi từ các ứng dụng quản lý thuế phân tán sang ứng dụng TMS; 4.715 yêu cầu được tiếp nhận và xử lý kịp thời..., TMS đã tạo cơ sở nền tảng để đảm bảo tính thống nhất về nghiệp vụ, quy trình xử lý trong cả nước; dữ liệu thông tin được hạch toán đầy đủ, chính xác; đáp ứng cơ bản các nghiệp vụ quản lý thuế cốt lõi, đặc biệt đáp ứng yêu cầu thí điểm chế độ kế toán thuế nội địa; hỗ trợ tổng hợp và cung cấp dữ liệu quản lý thuế nhanh và tạo điều kiện để mở rộng các dịch vụ điện tử cung cấp cho người nộp thuế. Quan trọng hơn, với những người chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai ứng dụng là kết quả vận hành TMS tại 27 cục thuế trong năm 2014 đã mang lại những bài học kinh nghiệm quý báu để việc “phủ sóng” TMS trong toàn ngành thuế.
 
Giải pháp “phủ sóng” TMS trong toàn ngành thuế
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song với một dự án CNTT có phạm vi triển khai tới 700 cơ quan thuế và khoảng 13.000 người sử dụng cùng khối lượng công việc đồ sộ từ rà soát, chuẩn hoá và chuyển đổi dữ liệu từ hệ thống quản lý phân tán hiện hành sang TMS, cho đến cài đặt máy trạm, xử lý dữ liệu tồn, tạo tài khoản và phân quyền cho người sử dụng..., thì quá trình triển khai hệ thống TMS khó tránh khỏi các lỗi, cũng như các vướng mắc phát sinh. Bên cạnh những thách thức do yêu cầu về nghiệp vụ thường xuyên thay đổi thì yêu cầu vừa phục vụ cho cán bộ quản lý theo đối tượng (các phòng kiểm tra), vừa phục vụ cho cán bộ quản lý theo chức năng (bộ phận kê khai, quản lý nợ, thanh tra), cùng vô vàn các tình huống quản lý phát sinh đã khiến những tính năng sẵn có theo chuẩn thiết kế của ứng dụng chưa đáp ứng được. Một khó khăn khác là, trong lúc yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính đang đòi hỏi phải tăng cường trao đổi điện tử và minh bạch hoá mọi thông tin với người nộp thuế, thì TMS vẫn đang trong quá trình triển khai xử lý các nghiệp vụ lõi, nên áp lực yêu cầu sử dụng đang phần nào ảnh hưởng đến việc vận hành ứng dụng. Ngoài ra, sự khác biệt về giao diện, tính năng ràng buộc, sự cố về hạ tầng truyền thông... cũng là những rủi ro mà việc triển khai TMS đang phải đối mặt.
 
Theo kế hoạch đã được đặt ra, đến hết tháng 11/2015, toàn bộ 63 Cục Thuế sẽ đồng loạt triển khai ứng dụng TMS. Vì vậy, Cục Công nghệ thông tin Tổng cục Thuế cho hay, trong năm 2015, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện các lỗi ứng dụng phát sinh nhằm đảm bảo yêu cầu xử lý dữ liệu của các cục thuế, đồng thời lên kế hoạch nâng cấp ứng dụng TMS đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ mới như thực hiện chế độ kế toán thuế nội địa, bổ sung đầy đủ các giao dịch cần phải hạch toán, sửa lỗi ứng dụng và nâng cấp các yêu cầu nghiệp vụ mới. Đối với các vướng mắc của các đơn vị đang triển khai, Cục Công nghệ thông tin cho biết, sẽ tiếp tục xử lý và hoàn thiện, kịp thời hỗ trợ để TMS vận hành thông suốt, đáp ứng hiệu quả cho công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, những bài học hiệu quả đã đúc rút được trong công tác lựa chọn nhân sự, tập huấn ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, hay sự điều hành, phối hợp trong triển khai... cũng sẽ là kinh nghiệm được ngành thuế nhân rộng để đưa TMS phủ sóng toàn ngành ngay trong năm nay.
 

Theo tapchithue.com.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 895
Chung nhan Tin Nhiem Mang