Kết quả khảo sát 1.491 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 43 quốc gia khác nhau, đang hoạt động ở 14 tỉnh, thành phố cho thấy, Việt Nam đã rút dần khoảng cách với các nước khác trong khu vực về tính hấp dẫn của địa điểm đầu tư.
Có 16,3% DN FDI cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 65,1% tuyển thêm lao động mới, tâm lý lạc quan về kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới đã tăng lên nhanh chóng (khoảng 50%).
Bốn điểm mạnh của Việt Nam được chỉ ra gồm: thuế suất, rủi ro thu hồi tài sản, khả năng tác động chính sách và ổn định chính sách. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải cắt giảm nhiều về chi phí không chính thức.
Theo đánh giá của các DN, Việt Nam có mức thuế tương đối cạnh tranh; ngoài ra chính quyền Trung ương và địa phương còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn. Hiện tại, thuế giá trị gia tăng trung bình của Việt Nam ở mức 10% và thuế thu nhập DN (năm 2013 là 22%, trước đó là 25%), tương đồng với nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Các DN FDI cho biết có thể dự báo thay đổi chính sách ở Việt Nam tốt hơn tất cả các quốc gia cạnh tranh. Đây là một kết quả rất quan trọng bởi DN FDI luôn coi trọng khả năng dự báo chính sách trong tương lai, để từ đó xây dựng chiến lược dài hạn của DN.
Tuy nhiên, điểm yếu vẫn là vấn đề chi phí không chính thức cùng một số gánh nặng quy định, chính sách. Ngoài ra, chất lượng của cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ hành chính công (y tế, giáo dục) còn kém.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ công... các nhà đầu tư cho rằng các địa phương ở Việt Nam cần cắt giảm chi phí không chính thức. Có như vậy, Việt Nam mới trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chất lượng cao.
Theo chinhphu.vn