Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Từ dân sinh…
Câu chuyện tăng giá điện đã được “hâm nóng” trong dư luận từ trước Tết Nguyên đán. Và điều này đã thành hiện thực từ ngày 5/3 khi Chính phủ chính thức đồng ý tăng giá bán điện từ ngày 16/3. Người dân bị ảnh hưởng từ việc tăng giá điện là điều không thế tránh khỏi.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện cả nước có khoảng 22 triệu hộ sử dụng điện. Trong đó, điện sinh hoạt chiếm 29% tổng sản lượng điện cả nước. Cụ thể, số hộ sử dụng dưới 50 KWh/tháng chiếm 11%, từ 51 đến dưới 100 KWh/tháng chiếm 5,79%, 101-200 KWh chiếm 2,59%, từ 200 KWh đến 300 KWh chiếm 2,4%; từ 300 KWh đến dưới 400 KWh chiếm 1,1% và trên 400 KWh chiếm 2%.
Với mức tăng 7,5%, các hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng phải trả thêm 6.000 đồng/tháng; sử dụng điện từ 100 - 300 kWh/ tháng trả thêm khoảng 18.900 đồng/tháng và với các hộ sử dụng trên mức 300 kWh trả thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành – Viện Nghiên cứu Kinh tế, chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội): Khác với tăng giá xăng dầu, việc tăng giá điện sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến các hộ dân cư theo hai cơ chế. Ở góc độ trực tiếp, việc tăng giá điện khiến ngân sách hộ gia đình bị giảm đi; ở góc độ gián tiếp, do sự tăng lên sau đó của tất cả các ngành sản xuất có điện là đầu vào, tạo nên một vòng xoáy tăng giá ở tất cả các mặt hàng, khiến sức mua của hộ gia đình bị suy yếu.
Thống kê mới đây cho thấy, tỷ lệ số hộ có sử dụng điện trong cả nước là khoảng 95%, trong đó nhóm hộ trung bình, khá và nhóm hộ giàu gần như 100% tiêu dùng điện. Nhóm hộ nghèo chỉ có khoảng 83,56% hộ sử dụng điện. Như vậy, đối tượng chịu tác động chủ yếu là các hộ nghèo.
Đến sản xuất kinh doanh
Với mức tăng 7,5%, cao hơn so với các lần tăng trước chắc chắn sẽ làm đội chi phí của DN trong năm 2015 và ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong chi phí sản xuất thép, điện chiếm khoảng 7% trong cấu thành giá. Mỗi tấn phôi thép cần khoảng từ 400 - 600kWh, kéo theo đó, mức tiêu hao điện năng sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng thêm khoảng 80.000 - 100.000 đồng/tấn khi điện tăng giá 7,5%. Điều này sẽ tác động khó khăn cho DN.
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), tính toán với kế hoạch sản xuất năm 2015 áp mức tăng giá điện mới, các DN thuộc Vicem sẽ mất khoảng 100 tỷ đồng. Trong khi đó, DN không thể tăng giá bán vì nguồn cung xi măng hiện đang vượt cầu, xuất khẩu không ổn định.
Đánh giá về những tác động từ việc tăng giá điện đến DN, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng đến DN do chi phí sản xuất đầu vào tăng. Khi phát sinh bất cứ một khoản chi phí nào cũng đều ảnh hưởng đến lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh ban đầu của DN, nếu DN không có năng lực tài chính mạnh sẽ khó chống đỡ”.
Đáp ứng cơ chế thị trường
Điều chỉnh tăng giá điện lần này theo đánh giá của Bộ Công Thương là thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và cũng là bước thực hiện lộ trình hướng đến cơ chế thị trường.
Đồng thuận với việc tăng giá điện, TS. Lê Đăng Doanh phân tích, năm 2014, để bảo đảm cho mục tiêu chống lạm phát Chính phủ đã yêu cầu EVN chưa tăng giá. Đến nay, mức lạm phát thấp là thời điểm tăng giá điện mà không tác động tới tình hình lạm phát nói chung. “Thời điểm này là thích hợp vì lạm phát thấp, Chính phủ không thể vì mục tiêu chống lạm phát mà mãi phải bù lỗ cho giá điện” – TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Thêm nữa, theo khuyến nghị của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) đưa ra với Việt Nam trong Sách Trắng xuất bản năm 2014: “Giá điện cần tăng cao hơn nữa, bởi giá điện rẻ cản trở nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực phát điện do các nhà đầu tư vẫn ngần ngại vì giá mua quá thấp. Giá điện cũng cần phải theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh của các nhà cung cấp”.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015