Theo đại diện của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, từ thực tế triển khai Nghị định 43 trong suốt thời gian qua cho thấy chủ trương mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được một số kết quả nổi bật như tạo quyền chủ động cho đơn vị sự nghiệp trong quản lý chi tiêu tài chính hướng tới sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định 43 cũng bộc lộ một số những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Do đó, Nghị định số 16 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập có một số điểm mới so với Nghị định số 43, cụ thể như: Về tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự; Về giá, phí, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; Về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Đổi mới cơ cấu và phương thức đầu tư của NSNN; Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công lập. Những đổi mới này nhằm thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tăng cường thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác; đồng thời tạo điều kiện cơ cấu lại NSNN, dành thêm nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo đó, quan điểm của Nghị định số 16 đặt ra là cần phải đổi mới toàn diện, tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, bao gồm cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và về tài chính; đơn vị càng tự chủ cao về tài chính thì được tự chủ cao trong triển khai thực thi nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và phân bổ, sử dụng các nguồn tài chính; phân định rõ các nhóm đơn vị và loại hình dịch vụ sự nghiệp công để có bước đi và lộ trình phù hợp xóa bỏ bao cấp qua giá, từng bước tính đủ chi phí; Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách sử dụng dịch vụ sự nghiệp công; đổi mới phương thức chi từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp theo hướng tăng cường thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số nhóm vấn đề nổi bật như: Đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ; Cơ hội và thách thức đối với các cơ sở Giáo dục Đại học khi thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở Giáo dục Đại học Công lập giai đoạn 2014-2017; Giải pháp đa dạng hóa nguồn lực nhằm tăng cường tự chủ tài chính đối với các trường đại học công lập ở Việt Nam….
Bên cạnh đó các đại biểu cũng tập trung vào thảo luận một số vấn đề như quản lý nguồn vốn; chính sách phát triển; hạch toán kế toán trong điều kiện hiện nay. Có đại biểu cho rằng, khu vực công được Nhà nước đầu tư toàn bộ, trong khi khu vực tư phải lo toàn bộ: nộp thuế, giá, phí, lệ phí…. Do vậy, vấn đề quản lý chất lượng cũng như việc điều chỉnh giá và phí liên quan đến chất lượng và những vấn đề liên quan đến giá và phí thì phải đòi hỏi chất lượng cao hơn.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp cũng như những kiến nghị và giải pháp tổ chức thực hiện theo Nghị định số 16 về cơ chế chính sách trong việc đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đạt hiệu quả tốt và sớm đi vào cuộc sống./.