Giảm 7.000 xe ô tô phục vụ công tác chung
Theo đánh giá của Cục Quản lý Công sản, số lượng xe ô tô công của nước ta là khá lớn (gần 40.000 xe ô tô công chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước), trong khi đó, công tác quản lý vẫn còn gặp những khó khăn vướng mắc cần khắc phục như: hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức; việc điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định; quy định về khoán kinh phí xe ô tô hầu như không được áp dụng; việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra....
Để khắc phục những tồn tại nêu trên và phù hợp với tình hình mới khi các phương tiện giao thông công cộng, xe cá nhân đã phát triển hơn nhiều so với trước đây, đồng thời phù hợp với cơ chế tự chủ về kinh phí hoạt động tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (thay thế Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/9/2015.
Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng trả lời phóng viên tại buổi họp báo
Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có một số nội dung quan trọng như: Quy định về việc thay thế xe ô tô phục vụ công tác (gồm xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh; xe ô tô phục vụ công tác chung); Quy định thống nhất định mức xe ô tô phục vụ công tác chung là từ 1 đến 2 xe/đơn vị cho tất cả các cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn được trang bị xe (bao gồm cả các đơn vị đã trang bị xe theo quy định trước đây); Quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí trong trường hợp các chức danh có đủ tiêu chuẩn được sử dụng xe tự nguyện đăng ký nhận khoán kinh phí sử dụng xe công….
Đánh giá về những tác động của chính sách mới đối với việc quản lý xe công hiện nay, Cục trưởng Trần Đức Thắng cho biết Quyết định 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực đã giúp xác định cụ thể số lượng xe ô tô trang bị cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị theo từng nhóm: xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng, đảm bảo công khai, công bằng trong sử dụng xe ô tô công và cơ quan nhà nước có thể kiểm soát được một cách dễ dàng số xe ô tô công được trang bị so với tiêu chuẩn, định mức do Thủ tướng Chính phủ quy định. Những thay đổi này đã góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong trang bị, sử dụng xe ô tô công.
Với việc chuyển đổi phương thức trang bị xe ô tô công từ nguyên tắc “không vượt quá số xe ô tô hiện có” như trước đây sang trang bị theo định mức từ 01 đến 02 xe/đơn vị sẽ làm giảm một số lượng lớn xe ô tô phục vụ công tác chung. Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung hiện có là 24.460 chiếc, nếu tính toán theo định mức mới ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại. Như vậy, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng.
Bên cạnh đó, chính sách mới này cũng từng bước thay đổi phương thức quản lý, sử dụng xe ô tô công theo cơ chế thị trường. Với quy định thống nhất định mức từ 01 đến 02 xe/đơn vị, thuê dịch vụ xe ô tô và khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo giá thị trường sẽ là một bước thay đổi lớn trong việc trang bị, bố trí, sử dụng xe ô tô công tại các cơ quan, đơn vị; khuyến khích các cơ quan, đơn vị dần chuyển sang hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, thúc đẩy dịch vụ phương tiện vận chuyển công cộng, giảm biên chế hành chính và chi phí sử dụng phương tiện đi lại.
Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng khi mua sắm tài sản nhà nước theo hình thức tập trung
Năm 1997, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 cho phép thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2008. Việc thí điểm được áp dụng với Bộ Tài chính và 23 Bộ, ngành, địa phương tự nguyện đăng ký tham gia.
Toàn cảnh buổi họp báo
Trong 5 năm thực hiện thí điểm (2008-2012), số tiền chênh lệch giữa số dự toán và số thực tế mua sắm tài sản theo phương thức tập trung là hơn 467 tỷ đồng (năm 2008 là 66,6 tỷ đồng; năm 2009 là 109,3 tỷ đồng; năm 2010 là 21,2 tỷ đồng; năm 2011 là 266,5 tỷ đồng và 06 tháng đầu năm 2012 là 5,3 tỷ đồng). Kết quả này mới chỉ dừng ở con số 23 Bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm; việc mua sắm này góp phần chống lãng phí hiệu quả. Nếu được nhân rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị trên cả nước và mở rộng đối tượng hàng hóa, dịch vụ thực hiện mua sắm tập trung thì kết quả này không dừng lại ở con số 467 tỷ đồng mà còn cao hơn rất nhiều.
Trên cơ sở kết quả thí điểm, Bộ Tài chính đã tổng kết, đánh giá và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thay thế cho Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg, lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 125/TTr-BTC ngày 13/10/2014 và số 128/TTr-BTC ngày 28/8/2015 về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Với những số liệu được đại diện Cục Quản lý công sản đưa ra cho thấy, thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung giúp tiết kiệm chi ngân sách do giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu. Cụ thể, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15%/tổng giá trị mua sắm. Chi mua sắm TSNN hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 20% chi ngân sách, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, nếu triển khai mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ như ở một số nước thì hàng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỷ đồng/năm, thông qua các lý do: (i) Mua sắm với số lượng lớn giá mua sẽ giảm; (ii) Giảm đầu mối thực hiện mua sắm và giảm đáng kể chi phí để tổ chức đấu thầu (hiện nay khoảng hàng chục nghìn đơn vị đầu mối hàng năm cùng tiến hành các thủ tục về đầu thấu mua sắm những loại tài sản như nhau. Khi thực hiện mua sắm tập trung thì chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đầu thầu trong năm).
Phương thức này còn khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả. Hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch.
Khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công. Theo phương án như hiện nay từ hàng chục nghìn đầu mối mua sắm sẽ giảm còn khoảng 170 đầu mối mua sắm tập trung, gồm: 02 đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
NA