Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Người dân chưa để ý
Ngày cập nhật 18/11/2015

(TTH) - Theo kế hoạch, đến trước 31/12/2018, Thừa Thiên Huế sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình (TH) trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng TH tương tự (analog) để chuyển sang phát sóng TH số (digital). Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về lộ trình trên cũng như những lợi ích của việc số hóa TH.

Bối rối

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã ký quyết định phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng TH mặt đất đến 2020 trên địa bàn tỉnh với kinh phí thực hiện hơn 60 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ của Trung ương... Theo đó, đến cuối 2018, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên địa bàn tỉnh xem được TH số bằng các phương thức khác nhau; trong đó, TH số mặt đất chiếm 60% các phương thức TH. Phủ sóng TH số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 95% dân cư. Đến hết 2020, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT) để phục vụ việc sản xuất chương trình.
Đang cùng con trai chọn mua tivi (TV) tại một cửa hàng trên đường Phan Đăng Lưu, chị Trần Thị Hoa, ở phường Hương Sơ thừa nhận: “Bữa trước, tôi có nghe thông tin về áp dụng số hóa TH trên cả nước, trong đó có Huế, nhưng không biết người dân được hưởng lợi chi. Ở đây, tôi thấy có nhiều TV mỏng đẹp, màn hình tốt lại có khuyến mãi với giá hợp túi tiền thì cứ mua đã”.
Tại một cửa hàng gần đó, vợ chồng bác Khánh, ở phường Hương Văn (Hương Trà) đang đắn đo về thương hiệu cho chiếc TV mình định mua, còn thông tin về “đề án số hóa TH hay TV có đúng chuẩn không” thì “chưa nghe nói”. Thậm chí, nhiều khách hàng đã “biết sơ sơ” về số hóa TH mặt đất thì tin rằng “tất cả TV được bày bán đều phù hợp với yêu cầu mới” nên yên tâm mua. 
Thực tế, tại các cửa hàng, siêu thị điện máy tại Huế đều có bán nhiều loại TV có dán nhãn hàng hóa, lo go biểu trưng DVB-T2 phía trước sản phẩm. Đây là quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông trong lộ trình thực hiện số hóa TH mặt đất. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, bên cạnh những TV đạt chuẩn DVB-T2, thì những sản phẩm TV công nghệ analog vẫn chiếm số lượng không nhỏ. Điều đáng nói, nhiều nhân viên bán hàng nếu gặp đối tượng “mù mờ” thông tin về số hóa thì cũng im lặng để tranh thủ “đẩy” luôn sản phẩm TV đời cũ cho khách.
Một lý do khác là hiện TV có tích hợp bộ giải mã DVB-T2 có giá bán cao hơn loại thường cùng kích cỡ và thông số kỹ thuật ít nhất gần 1 triệu đồng/sản phẩm. Theo anh Thành, một nhân viên bán hàng điện máy, chính sự chênh lệch như trên khiến nhiều “thượng đế” thu nhập thấp vẫn chọn mua TV thế hệ cũ. Mặt khác, đây là thiết bị kỹ thuật mới nên nhiều người chưa nhận thức được sự tiện ích và hiệu quả của tính năng thu TH mặt đất DVB-T2 để sử dụng lâu dài.
Cần chuẩn bị gì?
Chủ cửa hàng điện máy T.T (đường Phan Đăng Lưu) cho hay, theo lộ trình, Huế còn đến hơn 3 năm nữa mới chuyển sang phát sóng TH số, thế nên đa số người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm đến thông tin trên và cả với TV số hóa. Trong thời gian này, số lượng hàng tồn từ các tỉnh thành đã chuyển đổi được nhiều cửa hàng ở Huế nhập về với giá rẻ để bán cho người tiêu dùng”.
Một đại diện ngành TH cho biết, người dân nên cân nhắc giữa 2 dòng TV đã và chưa tích hợp bộ giải mã DVB-T2. Bởi đối với các TV không thực hiện theo chuẩn quy định mới, sau khi ngừng phát sóng analog, nếu muốn bắt sóng để xem TH số thì phải gắn thêm đầu thiết bị đầu thu chuyển đổi kỹ thuật số (Set-up-box) DVB-T2 gây tốn kém. Vì lợi ích lâu dài, giải pháp tốt nhất với người tiêu dùng vẫn là sử dụng TV hoặc đầu thu theo chuẩn mới ngay khi có điều kiện, nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận chương trình TH chất lượng cao.
Anh Nguyễn Thanh Quang, người dân quận Thanh Khê (thành phố Đà Nẵng) kể: “Vừa qua, Đà Nẵng và khu vực Bắc Quảng Nam đã thực hiện việc ngừng phát sóng một số kênh TH analog. Cũng vì tâm lý “đến đâu hay đến đó” nên ngay khi ngừng phát sóng, mình cũng như nhiều gia đình khác mới đua nhau đi mua thiết bị chuyển đổi TVB-T2. Giá cao hơn chưa nói, nhưng nhiều người đành chấp nhận mua thiết bị chất lượng không đảm bảo trên thị trường. Nếu không chủ quan, tôi đã mua được sản phẩm đảm bảo hơn”.
Theo Trưởng phòng Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông Phan Thị Vẽ: Từ 2014 đến nay, Sở đã triển khai thông tin tuyên truyền về kế hoạch số hóa, lộ trình và cách nhận biết để tránh nhầm lẫn khi mua sản phẩm có tích hợp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động văn hóa cơ sở... Ngành cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, đơn vị và người dân tham gia; xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ trong thực hiện việc chuyển đổi. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân.
Bài, ảnh: Liên Minh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 903
Chung nhan Tin Nhiem Mang