Bắt đầu ngày chất vấn đầu tiên, các đại biểu đã đặt một loạt câu hỏi cho các thành viên Chính phủ về tình hình thực hiện chất vấn từ đầu nhiệm kỳ tới nay (2011 – 2015). Đồng thời Đại biểu Quốc hội cũng đã đưa ra những đánh giá về những mặt được và còn chưa được ở các bộ, ngành...
Cử tri lo ngại xử lý tham nhũng chưa mạnh mẽ
Đánh giá chung, các đại biểu cho rằng sau khi chất vấn, nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành luôn kịp thời xuất hiện ở những điểm nóng, có những hành động quyết đáp đầy trách nhiệm để xử lý những vấn đề nảy sinh của cuộc sống được người dân đồng tình hoan nghênh. Dù Bộ trưởng là chính khách, là người hoạch định chính sách chứ không phải giải quyết những nhiệm vụ quá cụ thể, tỷ mỉ. "Nhưng khithực tế “trên bảo dưới chưa chắc đã nghe, trên nói một đằng, dưới có thể triển khai một nẻo" thì việc những người lãnh đạo trực tiếp xuất hiện và xử lý những việc cụ thể như vậy là cần thiết và có tác dụng", đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận xét.
Theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đã góp phần nâng cao chất lượng điều hành trên mọi lĩnh vực xã hội, là điều được cử tri trân trọng, mong được tiếp tục. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhận xét việc chỉ đạo thực hiện vẫn chưa sát sao, chưa đồng bộ, đeo bám, nên một số lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. “Làm sao phải khắc phục tình trạng nói chưa đi với làm, hoặc không làm cũng không sao trong thời gian qua”.
Một trong những vấn đề mà cử tri cả nước chưa yên tâm thời gian qua, theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, là tình trạng tham nhũng. “Cử tri nhận thấy vào những năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội trước Đại hội Đảng các cấp, cuộc đấu tranh này chưa được đẩy lên ở mức quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Khi đời sống nhân dân còn vô cùng khó khăn thì có nhiều cán bộ, thậm chí ở vị trí rất thấp đã giàu lên rất nhanh chóng. Việc xử lý tham nhũng vẫn còn chưa được mạnh mẽ”, Đại biểu Sơnnói.
Đồng tình với những kết quả đạt được, nhưng đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho biết nhiều cử tri lo lắng khi tham nhũng lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, “có cán bộ mới đề bạt đã bị bắt, nhưng cứ nói làm đúng quy trình”.
"Nhiều đơn khiếu nại, tố cáo chưa được xử lý chu đáo, bệnh thành tích nặng nề. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đáng lo ngại. Tinh giản bộ máy chưa được bao nhiêu, chức năng chồng chéo. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững. Thậm chí, có cử tri nói 'chúng ta cứ tạo ra khuyết điểm, khắc phục khuyết điểm rồi lại báo cáo thành tích' ", Đại biểu Thuyền cho biết.
Đại biểu đề nghị quyết liệt giảm chi thường xuyên
Nhiều đại biểu khác đặt các câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công thương về tình trạng hàng giả, hàng nhái chưa giảm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tiền bạc của người dân. Với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu chất vấn về tình trạng được mùa mất giá, phân bón giả, vật tư nông nghiệp giả. Với Bộ trưởng Bộ Tài chính là về tình trạng nợ công, ngân sách, cổ phần hoá DNNN, cải cách thủ tục hành chính, hải quan….
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), thời gian qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, một số lĩnh vực tiết kiệm tới hơn 22.000 tỷ đồng là vấn đề rất đáng hoan nghênh. Những năm tới, cần thực hiện tiết kiệm triệt để hơn để giảm tỷ lệ tăng chi thường xuyên, đặc biệt như khoản chi cho xe công quá lớn, trong khi ngân sách còn hạn hẹp.
Đối với người đứng đầu Chính phủ, các đại biểu cũng đặt ra một loạt câu hỏi chất vấn trực tiếp. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt câu hỏi về quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề hàm vụ trưởng, hàm vụ phó, dù chưa quy định trong luật nhưng vẫn được thực hiện. Đây là vấn đề trước đây đại biểu đã chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã hứa trả lời nhưng chưa có hồi âm. Đại biểu cũng chất vấn Thủ tướng về giải pháp nào để nền kinh tế tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Thủ tướng cho biết địa vị pháp lý của công đoàn có gì khác trong bảo vệ quyền lợi của người lao động khi chúng ta tham gia TPP.
Bộ trưởng Công thương nhận khuyết điểm khi buôn lậu chưa giảm
Tại phiên chất vấn, trả lời một số câu hỏi của các đại biểu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận dù rất nỗ lực, nhưng vẫn chưa tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Nhận khuyết điểm về quản lý nhà nước, Bộ trưởng cũng nêu ra một số nguyên nhân khách quan của tình trạng này là độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn. Đường biên giới dài, nên việc tăng cường kiểm tra kiểm soát chưa đạt yêu cầu, khiến buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn phức tạp. Hơn nữa, tâm lý người tiêu dùng vẫn chuộng hàng ngoại, vô hình chung khiến hàng giả hàng nhái có thị trường để phát triển. Bộ trưởng đề nghị cho phép điều chỉnh bổ sung một số văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ để tăng cường các biện pháp xử phạt, nâng cao trách nhiệm, nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường để giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt.
Về phía mình, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận dù đã nghiêm túc tổ chức thực hiện các vấn đề được chất vấn nhưng vẫn có những việc chậm so với yêu cầu. Việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu thời gian qua còn chậm, chưa được triển khai mạnh. Theo Bộ trưởng, nguồn lực của cả Nhà nước và nông dân rất hạn chế, hầu hết các hộ gia đình nông dân vốn ít, muốn vay vốn cũng không có thể chấp để vay, vì vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống.
Phiên chất vấn sẽ được tiếp tục vào ngày mai (17/11) với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vào đầu giờ sáng. Vào cuối giờ sáng ngày 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), thời gian qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, một số lĩnh vực tiết kiệm tới hơn 22.000 tỷ đồng là vấn đề rất đáng hoan nghênh. Những năm tới, cần thực hiện tiết kiệm triệt để hơn để giảm tỷ lệ tăng chi thường xuyên, đặc biệt như khoản chi cho xe công quá lớn, trong khi ngân sách còn hạn hẹp.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn