Các nước thành viên TPP phải cam kết tuân thủ các nghĩa vụ mở cửa thị trường dịch vụ theo cách tiếp cận chọn bỏ, ngoại trừ những lĩnh vực được đưa vào danh mục bảo lưu có chọn lọc.
Các cam kết thuộc Chương dịch vụ tài chính của Hiệp định TPP tạo ra 3 thành tố cơ bản hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam gồm:
Một là, mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Hai là, áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư.
Ba là, đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.
Hiện nay, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cam kết đối với dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm. Nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính đều có chung nhận định, các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam.
Để làm rõ hơn những câu hỏi của các cơ quan báo chí về các cam kết của Việt Nam về dịch vụ tài chính đối với các nước thành viên TPP, tại cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức hôm 9/11/2015, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cũng đã làm thêm các vấn đề liên quan đến những vấn đề này, cụ thể:
Thứ nhất, về mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa: So với cam kết WTO, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Cụ thể, Việt Nam sẽ mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới; Dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.
Thứ hai, về cơ chế bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài: Việt Nam cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính kết hợp với nghĩa vụ bảo hộ đầu tư thông qua việc bổ sung các nghĩa vụ cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp, nguyên tắc đối xử tối thiểu MST. Trong đó, cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định chi tiết theo các cấp độ: Nhà nước và Nhà nước, Nhà đầu tư và Nhà nước, đặc biệt cơ chế Nhà đầu tư với Nhà nước cho phép đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Quy trình giải quyết tranh chấp được quy định rõ ràng, cụ thể đảm bảo tính minh bạch, có hiệu quả.
Thứ ba, về việc đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng cho các nước: TPP cho phép các nước áp dụng các ngoại lệ cần thiết, tạo ra không gian chính sách gồm các biện pháp thận trọng, các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư ổn định, an toàn.
Bên cạnh đó, TPP cũng ràng buộc nghĩa vụ các nước thành viên phải tuân thủ nguyên tắc “chỉ tiến không lùi” trong việc điều hành chính sách đối với các ngành dịch vụ, theo đó nếu Việt Nam điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật trong nước theo hướng tự do hóa hơn, thông thoáng hơn so với mức cam kết ban đầu thì sẽ tự động trở thành nghĩa vụ ràng buộc, không được ban hành chính sách quay trở lại mức cam kết ban đầu.
Ngoài ra, các nước TPP phải đảm bảo thực hiện các quy trình thủ tục cấp phép nhanh chóng và thuận tiện, tuân thủ thời gian phê duyệt hồ sơ cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài không quá 120 ngày.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 nước thành viên ban đầu là Brunei, Chilê, New Zealand và Singapore. TPP chính thức khởi động vào tháng 3/2010. Việt Nam tham gia TPP vào tháng 11/2010. Đến nay, TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Pêru, Chi-lê, Canađa, Mexico và Việt Nam.
PV.