Từ 4 năm nay, chị Lê Thị Tý ở xã Hương Văn (thị xã Hương Trà) có thêm nghề đan sợi nhựa. Nhà cách xưởng chỉ vài trăm mét nên việc đi lại của chị khá thuận lợi, thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/tháng. Từ năm 2010, xưởng đan sợi nhựa của Công ty CP Phước Hiệp Thành ra đời, chị xin vào làm việc và được DN cho học nghề, nâng cao tay nghề để sản xuất bàn ghế xuất khẩu. “Nghề đan sợi nhựa lúc đầu rất khó, sau khi được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật thì làm khá đơn giản và nhẹ nhàng. Đây là nghề phù hợp với phụ nữ, bởi nó đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận và chịu khó”, chị Tý chia sẻ.
Mặc dù chưa hết năm 2015, song một tin vui đến với gần 400 lao động ở đây là DN đã ký hợp đồng sản xuất bàn ghế nhựa xuất khẩu từ các đối tác châu Âu, Mỹ và Úc đến hết tháng 6/2016 với đơn đặt hàng trị giá 4,5 triệu USD. Có đơn hàng, đồng nghĩa với việc lao động sẽ yên tâm công tác và không lo mất việc giữa chừng. “Ưu điểm của bàn ghế làm từ sợi nhựa là có thể sử dụng ngoài trời, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt nên các đối tác nước ngoài rất ưa chuộng. Hiện, công ty không lo đơn hàng mà lo không đủ năng lực, lao động giỏi để sản xuất. Sắp tới, DN tiếp tục đầu tư vốn trang bị thêm các loại máy dập bát nhôm, máy hàn để mở rộng xưởng cơ khí, lắp đặt khung nhôm để hoàn thiện quy trình sản xuất tại chỗ đáp ứng nhu cầu của đối tác”, Giám đốc Công ty CP Phước Hiệp Thành, Nguyễn Văn Phước cho biết.
Tại hai HTX mây tre đan Bao La và Thủy Lập trên địa bàn huyện Quảng Điền, nhờ nghề đan sợi nhựa mà 5 năm trở lại đây, hàng trăm lao động có việc làm ổn định, thu nhập khá trong đó chủ yếu là lao động nữ. Thông qua các đơn đặt hàng của Công ty CP Lâm sản Hương Giang, trên 150 lao động ở đây có việc làm thường xuyên, thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Chủ nhiệm HTX Thủy Lập, ông Trần Văn Lợi cho rằng: “Đan sợi nhựa hiện là nghề “hot” ở nông thôn, bởi thu hút được nhiều lao động tham gia, đặc biệt là lao động nữ. Do chưa ký các đơn hàng xuất khẩu trực tiếp nên HTX đang nhận gia công lại từ các DN lớn, song thu nhập của anh chị em cũng khá hơn nhiều so với một số việc làm khác. Thông qua các nguồn hỗ trợ đào tạo nghề của Sở Công thương, hiện đội ngũ lao động ở đây đều có tay nghề khá, đảm nhận được tất cả các công đoạn tạo thành sản phẩm xuất khẩu nên đơn đặt hàng ngày càng nhiều”.
Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Lê Tự Dũng cho biết: “Đan sợi nhựa là nghề mới, phát triển khá mạnh trong vòng 5 năm trở lại đây. Hiện, toàn tỉnh có 5 DN sản xuất các sản phẩm từ đan sợi nhựa, giải quyết việc làm cho khoảng 2 ngàn lao động. Với mục đích khôi phục nghề truyền thống và phát triển nghề mới du nhập, trong năm 2015, thông qua nguồn vốn chương trình khuyến công và kế hoạch khôi phục nghề, sở đã hỗ trợ kinh phí mở các khóa đào tạo nghề, đầu tư thiết bị máy móc nhằm giúp các DN mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh”.