Lý giải về mức tăng mạnh của CPI trong tháng 9/2012, tới 2,2%, gần bằng tổng 8 tháng trước đó cộng lại, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do 4 nhóm mặt hàng.
Đó là, dịch vụ khám chữa bệnh y tế tăng tới 17,02%, tác động tới CPI là 0,95%. Tương tự, nhóm giáo dục tăng 10,84%, tác động CPI tăng 0,65%; nhóm dịch vụ giao thông vận tải tăng 3,33% (do 3 lần tăng giá xăng dầu) làm CPI tăng 0,34% và nhóm vật liệu xây dựng, nhà ở tăng 2,18% khiến CPI tăng thêm 0,21%.
“Như vậy, với 4 nhóm mặt hàng trên đã tăng tới 2,1%, chiếm 95% tổng mức tăng giá trong tháng 9/2012”, người đứng đầu Bộ Tài chính nói.
Tuy nhiên, theo ông Huệ, đây là điều không lường trước được, nguyên do là công tác dự báo. Vì thế, nếu việc dự báo tốt, khi đó chỉ số giá tiêu dùng từng tháng sẽ có sự tăng đều đặn hơn. Nguyên nhân khác, theo Bộ trưởng Huệ, là sự phối hợp điều hành giữa các bộ, ngành, cũng như giữa Trung ương với địa phương chưa nhịp nhàng.
“Như nhóm dịch vụ y tế, thì thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có từ đầu tháng 2/2012, nhưng thẩm quyền quyết định điều chỉnh mức giá và thời gian lại do hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, Bộ trưởng Huệ nói. “Nếu có sự điều tiết tốt từ Bộ Y tế và Bộ Tài chính với các tỉnh thì chúng ta nên tránh tháng 9, vì đó là dịp khai trường, mua sắm rất nhiều cho giáo dục, đào tạo, học phí”.
Giải thích vì sao mặt hàng xăng lại bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho hay, xăng dầu là nhiên liệu không tái tạo và là mặt hàng cần tiêu thụ tiết kiệm. Ngoài ra, các quốc gia trên thế giới đều áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả mặt hàng xăng, dầu còn Việt Nam chỉ áp dụng cho mặt hàng xăng với mức 0,1 USD/lít, tương đương với Thái Lan, Trung Quốc và Philipines và thấp hơn so với Hồng Kông (0,78 USD/lít), Ấn Độ (0,6 USD/lít), Australia (0,4 USD/lít).
Về giải pháp tài chính, thuế, phí cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, tính đến hết tháng 9, Bộ Tài chính đã miễn, giảm, giãn thuế cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp với tổng cộng gần 20.000 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ trưởng Huệ, Bộ Tài chính đang rà soát lại tất cả các loại thuế và phí theo nguyên tắc giảm dần tỷ lệ động viên để đảm bảo tăng tiêu dùng và tăng đầu tư cho sản xuất.
Theo VnEconomy.vn