Đây là vấn đề được đưa ra tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2012 vừa diễn ra sáng ngày 24/5, tại Hà Nội.
Những kỷ lục…
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây, đạt mức bình quân 30% và trở thành một trong những kênh đầu tư đáng chú ý của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các con số thống kê từ các tổ chức nghiên cứu M&A cho thấy, năm 2011 với tổng giá trị các thương vụ đạt 4,7 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 135% trong năm 2011. Trong đó, trên 2,6 tỷ USD là các giao dịch liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài.
Xét về só lượng thương vụ liên quan đến doanh nghiệp nội chiếm đa số với 77%. Con số này cho chúng ta thấy hoạt động M&A và chuyển nhượng diễn ra sôi động tại Việt Nam dù giá trị các thương vụ này không lớn. Xét về giá trị thương vụ, các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 66% giá trị các giao dịch M&A. Năm 2011 là năm có nhiều thương vụ lớn được ghi nhận, qua đó có thể thấy nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng mua lại các doanh nghiệp chất lượng của Việt Nam.
So với con số 345 thương vụ với giá trị 1,7 tỷ USD được coi là kỷ lục trong năm 2010 thì giá trị giao dịch của năm 2011 đã lập một kỷ lục mới.
Riêng quý I/2012, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, trong tổng giá trị 92,4 tỷ USD của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản). Theo đánh giá, Việt Nam đứng thứ 8 trong số các quốc gia có hoạt động M&A sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dự kiến tốc độ tăng trưởng của hoạt động này trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức trên 30%, trong đó, các ngành thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tiêu dùng và bất động sản tiếp tục là mục tiêu M&A hấp dẫn nhất.
Theo đánh giá, ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là thu hút nhất với tổng giá trị thương vụ lên đến 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị M&A tại Việt Nam. Các thương vụ nổi bật và mua tỷ lệ cổ phần chi phối cho thấy xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện mở rộng chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường thông qua M&A như các thương vụ Mario - ICP, Carlsberg - Bia Huế...
Lĩnh vực tài chính - ngân hàng được các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm. Các thông tin về Mizuho - Vietcombank, IFC - VietinBank, PVI - Talant... cũng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong muốn được đầu tư chiến lược vào các tổ chức tài chính lớn cổ phần hóa.
Riêng với bất động sản, chính những khó khăn trong năm 2011 khiến cho hoạt động M&A trong lĩnh vực này diễn ra tương đối sôi động. Nhiều giao dịch liên quan đến bất động sản cũng đã diễn ra nhưng chưa được công bố mà chủ yếu là đối tác trong nước bán cho các nhà đầu tư nước ngoài
Đáng chú ý, Nhật Bản đang dẫn đầu các quốc gia có doanh nghiệp thực hiện M&A vào Việt Nam xét cả về số lượng và giá trị. Hiện các nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư mạnh vào ngành hàng tiêu dùng và tài chính. Các thương vụ được nói đến nhiều nhất là Mizuho trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank hay thương vụ Unicham mua 95% cổ phần của Diana.
Và kỳ vọng sau M&A
Rõ ràng, thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm này khá hấp dẫn và có khả năng thu hút đồng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài khi thực hiện các giao dịch M&A là mức giá mua vào thường khá cao và vì đang trong thời điểm “đuối” vốn như hiện nay, doanh nghiệp bên bán sẽ ưu tiên về giá.
Tuy nhiên, để thực sự mang lại lợi ích cho cả hai bên phía nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp, điều quan trọng là nhà đầu tư và doanh nghiệp phải biết rõ về nhau. Để đạt được việc đó, điều trước tiên là cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư phải có được các kiến thức và kinh nghiệm của những doanh nghiệp đi trước, tránh thất bại không đáng có trong các hoạt động đầu tư.
Vấn đề quan trọng trong các thương vụ M&A mà các nhà đầu tư quan tâm nhất đó là giá trị của thương vụ có phản ánh được đúng giá trị thực của công ty được mua và quyền kiểm soát của nhà đầu tư với công ty được mua. Đây cũng là những vấn đề mà bên bán quan tâm.
Thực tế, ở những thương vụ của các quỹ đầu tư, giá trị cộng hưởng hầu như là không có. Thậm chí, ngay cả đối với việc một doanh nghiệp này đầu tư vào các doanh nghiệp khác nhưng không cùng ngành nghề kinh doanh thì cũng ít có khả năng mang lại giá trị cộng hưởng, thậm chí còn có ảnh hưởng trái chiều. Với những doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện hóa, việc phải bỏ thêm nhiều chi phí để hoàn thiện doanh nghiệp như hoàn thiện hệ thống phân phối, mua bảo hiểm cho nhân viên, chi phí trả cho chuyên gia… là các nhân tố tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo TS. Vũ Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội: Khi thực hiện M&A các bên đều có sự kỳ vọng giá trị cộng hưởng là cắt giảm chi phí, khâu sản xuất, dư thừa văn phòng, con người…
Tuy nhiên, việc tạo ra được lợi nhuận tăng vọt do cộng hưởng mang lại cũng khó thực hiện khi mà sản phẩm của doanh nghiệp chỉ gói gọn tại thị trường trong nước chật hẹp mà không vươn được ra bên ngoài. Tiết kiệm chi phí trong sản xuất cũng khó đạt được thông qua việc cắt giảm nhân công, hay các chi phí marketing thương hiệu cũng khó được thực hiện chung với các sản phẩm và thương hiệu khác của các công ty đi đầu tư nếu không cùng ngành nghề kinh doanh. Do đó, giá trị cộng hưởng ít khi được các nhà đầu tư chú ý đến khi đầu tư vào các doanh nghiệp của Việt Nam, hoặc cũng khó để có thể nhìn thấy rõ được các giá trị cộng hưởng đấy thực chất có tồn tại hay không.
Theo www.taichinhdientu.vn