Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Triển vọng trong việc quản lý khai thác cát, sạn - Bài 2: Lời giải cho bài toán quản lý và khai thác bền vững
Ngày cập nhật 05/06/2014

 (TTH) - Trong khi chính quyền các cấp đang lúng túng với bài toán quản lý và khai thác cát, sạn lòng sông thì ở phường Hương Vân (TX Hương Trà) xuất hiện mô hình Ban Quản lý khai thác cát, sạn tập trung ở lòng sông Bồ, bước đầu hoạt động hiệu quả. Điều này mở ra triển vọng mới trong việc quản lý và khai thác cát, sạn lòng sông bền vững trên toàn tỉnh.

 Nhìn từ Hương Vân

Sau khi có phiếu xác nhận, người dân tiếp tục trở lại thuyền để tiến hành khai thác cát, sỏi tại bãi quy hoạch

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo chủ tịch UBND các phường, xã hướng dẫn, giải thích, vận động các hộ gia đình khai thác trái phép nghiêm túc chấp hành các quy định của nhà nước; đối với các hộ gia đình có phuơng tiện khai thác, có nhu cầu khai thác phải đến khai thác tại vị trí được phép hoặc liên hệ với doanh nghiệp được cấp phép để cùng khai thác. UBND các cấp phải tập trung xử lý các bến bãi tập kết cát, sõi không phù hợp với quy hoạch trong tháng 6-2014 và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Sáng sớm một ngày cuối tháng 5/2014, chúng tôi có mặt tại sông Bồ, đoạn qua thôn Lại Bằng (phường Hương Vân, TX Hương Trà). Đứng ở trạm điều hành, chúng tôi chứng kiến cảnh tấp nập kẻ vào người ra lấy phiếu xác nhận khai thác cát sạn từ nhân viên Ban quản lý rồi mới trở lại thuyền đến bãi khai thác. Anh Nguyễn Văn Trang, thành viên tổ giám sát cho biết, trung bình mỗi ngày tổ xuất khoảng 45-50 phiếu cho các hộ khai thác cát, sạn tập trung tại bãi quy hoạch của phường. Do trạm ở cạnh sông, nên các thuyền rất thuận tiện để ghé vào để nhận phiếu khai thác. Ngoài ra, tổ còn thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những thuyền chưa được cấp phiếu mà vẫn khai thác. Một người làm công cho đò có số hiệu HV07 của bà Lê Thị Trứ cho biết, trước đây chúng tôi khai thác lén lút trên sông Bồ và luôn phải tìm cách tránh né. Nay có Ban quản lý, có bãi khai thác tập trung, chúng tôi chỉ việc đăng ký và được cấp phiếu khai thác mỗi ngày 2 chuyến (trung bình mỗi chuyến 10m3). Chúng tôi rất yên tâm làm ăn khi chỉ cần tuân thủ theo các quy định của Ban quản lý như khai thác cách bờ sông 60m, nộp đầy dử các khoản thuế, phí theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, Trưởng Ban quản lý khai thác cát sạn tập trung lòng sông Bồ cho biết, xuất phát từ việc khai thác cát, sạn trái phép diễn ra rất phức tạp trên địa bàn nên chính quyền địa phương đề xuất lãnh đạo thị xã lập phương án quản lý, khai thác cát, sạn tập trung. Khu vực được quy hoạch cách cầu Hiền Sĩ 150 m về phía thượng nguồn đến bãi bồi Lại Bằng với chiều dài 1,4 km, diện tích khai thác hơn 100ha, trữ lượng khai thác trong một năm là 160.000 m3. UBND phường thành lập Ban quản lý gồm 5 thành viên, tổ kiểm tra giám sát 6 thành viên có nhiệm vụ thực hiện tốt phương án quản lý khai thác cát, sạn. Có 52 thuyền đăng ký khai thác được đánh số thứ tự để dễ quản lý, kiểm tra. Các hộ được khai thác có nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên và phí môi trường khoảng 11.000 đồng/m3. Ông Nguyễn Xuân khẳng định, sau 5 tháng triển khai, mô hình Ban quản lý của phường đã hoạt động hiệu quả và đi vào nề nếp, giải quyết được công ăn việc làm cho 200 lao động, và không còn tình trạng khai thác trái phép. Nguồn thu ngân sách cho địa phương cũng cải thiện đáng kể. Theo kế hoạch, nguồn thu này mỗi năm khoảng 1,7 tỷ đồng, nhưng sau 5 tháng đã thu được 1,1 tỷ đồng.
 
Hướng đến những giải pháp bền vững
Bên cạnh mô hình quản lý khai thác ở Hương Vân, có nhiều giải pháp và mô hình khai thác cát lòng sông hiệu quả được các địa phương triển khai, không chỉ đáp ứng nhu cầu cát, sạn xây dựng mà còn tạo điều kiện ổn định kế sinh nhai và đời sống của những hộ dân sinh sống bằng nghề này. Có thể kể đến mô hình quản lý theo phương thức hợp tác xã ở Quảng Điền; ở một số địa phương quy hoạch bãi công cộng cho người dân có nhu cầu đến khai thác. UBND tỉnh cũng cấp phép khai thác cát, sạn lòng sông Huơng cho 2 doanh nghiệp (Phú Vĩnh và Tuyết Liêm), với điều kiện ngoài việc khai thác, các doanh nghiệp đồng ý cho những hộ dân có nhu cầu cùng khai thác tại vùng được cấp phép.

Thông tin liên quan:

<< Triển vọng trong việc quản lý khai thác cát, sạn - Bài 1: Khai thác cát, sạn trái phép - chuyện cũ vẫn “nóng”

 Nói về thực trạng quy hoạch và xử lý khai thác cát, sạn lâu nay diễn ra trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng: “Lâu nay chúng ta mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Trong khi đó, phần gốc của vấn đề là làm sao khai thác bền vững gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội vẫn chưa được chú trọng. Để xảy ra tình trạng khai thác cát, sạn trái phép là do các quy định liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác cát, sạn chưa đồng bộ, chưa quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành vẫn chưa chặt chẽ, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; việc quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên cát, sạn tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác tài nguyên, khoáng sản chưa sâu”… Theo ông Phan Ngọc Thọ, nhu cầu sử dụng cát, sạn trong xây dựng là rất lớn, nhưng đây không phải là tài nguyên vô hạn. UBND tỉnh luôn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có điều kiện khai thác cát sạn vì đây là một nhu cầu chính đáng; ưu tiên cho số hộ làm nghề khai thác cát, sạn mưu sinh. Việc quản lý và khai thác tài nguyên cát, sạn hợp lý, vừa tạo điều kiện kế sinh nhai, ổn định cuộc sống của người dân sống bằng nghề khai thác cát và không tác động lớn đến môi trường, dòng chảy. Do vậy, các sở ngành liên qua, các địa phương cần phải siết chặt quản lý, đặc biệt là phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sạn; thực hiện thường xuyên, quyết liệt và theo đúng quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Thái Bình- baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 4.034
Chung nhan Tin Nhiem Mang