Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Chuẩn hóa hệ thống thông tin thống kê tài chính
Ngày cập nhật 13/12/2011

Đó là một trong những nội dung được đề cập tới tại Hội nghị Tập huấn về công tác thống kê tài chính do Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính tổ chức, diễn ra sáng nay, ngày 7/12, tại Đà Nẵng.

Trong những năm qua, hệ thống thông tin cũng như các chỉ tiêu thống kê tài chính đã thường xuyên được xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ lâu dài, không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều.

 

Mỗi con số "nói một kiểu"?

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính - Phạm Sỹ Danh: Đối với ngành Tài chính, công tác thống kê tài chính đã trải qua thời kỳ thăng trầm song cho tới thời điểm hiện nay, trên cơ sở Luật Thống kê, đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan hệ thống thống kê tài chính, chi tiêu cũng như giải pháp...

Qua khảo sát, các sản phẩm thông tin thống kê tài chính đã phát huy tác dụng, là căn cứ quan trọng để triển khai phân tích đánh giá kinh tế vi mô, vĩ mô, là công cụ quan trọng cho các nhà lãnh đạo trong việc hoạch định chính sách; cung cấp thông tin giúp quản lý ngân sách, đánh giá tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê tài chính cũng góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia - một trong những yêu cầu của thể chế dân chủ, cải cách hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế. Yêu cầu về minh bạch tài chính hiện là một yêu cầu rất lớn, câu chuyện minh bạch hóa luôn được đặt lên hàng đầu, là tiêu chuẩn để đổi mới hệ thống tài chính có hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận khách quan là cho đến nay, hệ thống thông tin thống kê mới hoàn thành 1/3 bởi đó là những con số chưa "biết nói". Công tác thống kê tài chính mới tập trung nhiều ở các cơ quan trung ương - một trong những điểm yếu của Bộ Tài chính trong thời gian qua.

Về phía mình, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính - Phạm Công Minh cho rằng: Trong những năm qua, hệ thống các chỉ tiêu thống kê tài chính đã thường xuyên được định nghĩa để đảm bảo hiểu và sử dụng thống nhất đối với mọi người sử dụng. Đồng thời, công tác nghiên cứu, xây dựng phương pháp phân tích dự báo, trên cơ sở sử dụng các phần mềm phân tích dự báo hiện đại của quốc tế, xây dựng các mô hình phù hợp với Việt Nam... cũng đang được ngành Tài chính đặc biệt quan tâm.

Song đây cũng là nhiệm vụ công việc có tính chất lâu dài, không thể trong một giai đoạn ngắn làm được ngay. Thực tế, qua sử dụng, các kết quả thu được chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu thực tiễn, vì rằng hệ thống các dữ liệu của ta hiện cần xử lý lại theo hướng chuẩn hóa lại và đồng bộ hoá lại theo từng chỉ tiêu, mới có thể cho những kết quả khả dĩ. Mà khả năng xử lý chuẩn hóa và đồng bộ hoá này đòi hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia tài chính có kiến thức kinh tề tài chính hiện đại và đủ thâm niên mới có thể hiểu rõ "cũ - mới" để làm được.

Ngay như công tác đảm bảo chuẩn hóa cũng gặp khó khăn vì đòi hỏi phải đồng bộ với hệ thống chỉ tiêu quốc gia về thống kê kinh tế xã hội. Trong khi đó, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về kinh tế xã hội vẫn đang trong quá trình từng bước hoàn thiện. Vì vậy chuẩn hóa sẽ chỉ là ở mức tương đối theo thời gian.

Trước thực trạng này, nhu cầu có hệ thống thông tin thống kê đầy đủ, chính xác và kịp thời nhằm xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành, cũng như nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân trong cả nước và quốc tế... càng bức thiết hơn bao giờ hết và đòi hỏi phải đổi mới, phát triển công tác thống kê mà trước hết là đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 548/TTg-KHTH ngày 10/4/2009.

Đẩy mạnh công tác tin học hóa thống kê

Để triển khai thực hiện trong lĩnh vực tài chính, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã đi trước một bước và đã ban hành Quyết định 2179/QĐ-BTC ngày 27/8/2010 phê duyệt Kế hoạch phát triển hệ thống thông tin và dữ liệu thống kê tài chính đến năm 2015. Và để đồng bộ hóa hệ thống chỉ tiêu thống kê tài chính với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Quyết định 43/2010/QĐ-TTg ngày 2/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ban hành Quyết định số 2331/QĐ-BTC ngày 4/10/2011 ban hành Hệ thống chỉ tiêu và Chế độ báo cáo thống kê tài chính.

Theo đó, trong thời gian tới, trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành, cần được mở rộng để bao quát đầy đủ hơn các nguồn tài chính quốc gia còn chưa được đưa vào hệ thống chỉ tiêu này.

Đồng thời, theo Phó Cục trưởng Phạm Công Minh thì cần tạo hệ thống dữ liệu thông tin chuyển đổi sang các chỉ tiêu mới sao cho hài hoà hơn với các chỉ tiêu thống kê mà quốc tế thường sử dụng, cùng với đó là để các dữ liệu thông tin thống kê tài chính khỏi “chết”, “ít được sử dụng” thì việc tạo một cơ sở dữ liệu thống kê với nhiều công cụ khai thác hỗ trợ người sử dụng, nhất là phục vụ phân tích dự báo và hoạch định, điều chỉnh chính sách.

Nhìn nhận một cách khách quan, công cuộc tạo ra những con số "có hồn" và có "trách nhiệm" cũng đang là vấn đề cần đặt ra mà quan trọng là chuẩn hóa số liệu đầu vào, bởi nếu số liệu đầu vào đã có vấn đề thì đầu ra sẽ "méo mó". "Đừng để thống kê tài chính mỗi con số "nói một kiểu" mà phải thống nhất, tập trung và hiệu quả... phục vụ mục tiêu chung của cả nước." - Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh nhấn mạnh.

Muốn vậy, còn phải nâng cấp đội ngũ cán bộ và nghiên cứu điều chỉnh lại tổ chức bộ máy làm công tác thống kê tài chính để đáp ứng các yêu cầu ở mức cao hơn đáp ứng nhu cầu giao dịch thông tin với quốc tế.

Hơn hết, cần thực hiện việc tin học hoá thống kê Bộ, ngành trong các khâu thu thập, tổng hợp, lưu giữ và chia sẻ thông tin. Xây dựng các cơ sở dữ liệu thống kê vi mô, vĩ mô nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu quản lý tài chính công và hoạch định chính sách quản lý tài chính công phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thực tế, theo đánh giá của Thứ trưởng thì hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thống kê còn ít, chưa có nhiều mô hình toán và phần mềm ứng dụng. Việc tổ chức lưu trữ thông tin còn phân tán, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung...

Chính vì thế cần xây dựng cơ sở dữ liệu và kho dữ liệu thống nhất, tập trung tại Bộ Tài chính. Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống thông tin thống kê trên cơ sở hình thành mạng tin học, kết nối và chia sẻ thông tin thống kê trong nội bộ Bộ, ngành cũng như với các địa phương, và các Bộ, ngành khác.

Riêng các chỉ tiêu về tiền tệ mà hệ thống ngân hàng hiện cung cấp thường xuyên cho IMF, cùng các chỉ tiêu tính toán của IMF khi công bố số liệu về Việt Nam cần tạo mối quan hệ hợp tác chia sẻ thông tin với Ngân hàng Nhà nước để chuyển thành một nguồn thông tin thống kê tài chính thường xuyên sẽ rất hữu ích trong phân tích tình hình tài chính quốc gia.

Cụ thể là cần bổ sung và sửa đổi các phần mềm thu thập và phân tích số liệu thống kê thuộc lĩnh vực tài chính để bao hàm được các thông tin, đồng thời đảm bảo tích hợp với các chế độ thông tin báo cáo thống kê định kỳ, đặc biệt là hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc tích hợp (TABMIS), Hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp (ITAIS), Hệ thống thông tin quản lý Hải quan (VCIS), Hệ thống thông tin quản lý dự trữ quốc gia...

Đặc biệt, cần đa dạng hoá các sản phẩm thông tin thống kê, đảm bảo thông tin thống kê được phổ biến kịp thời, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế của Việt Nam.

(T.Hương) - Theo taichinhdientu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 726
Chung nhan Tin Nhiem Mang