Trong nhiều năm qua dường như không điều gì có thể ngăn cản đà tăng của vàng. Vàng là một khoản đầu tư tuyệt vời trong giai đoạn 2010-2012. Đó là thời điểm khó khăn đối với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, thời điểm mà những từ như “nới lỏng định lượng” và “gói cứu trợ” hay những băn khoăn về tương lai của đồng euro đã trở thành một phần trong cuộc sống.
Những nguyên nhân đó đã khiến giá vàng liên tiếp phá vỡ các đỉnh cao nhất trong những năm 2009-2011.Tuy nhiên, kể từ khi tiến gần ngưỡng 1.800 USD/ounce hồi tháng 9/2012, giá vàng đã quay đầu trượt sâu và hiện tại đang ở vùng thấp nhất trong khoảng 2 năm (1.330 USD/ounce).
Diễn biến giá vàng thế giới từ tháng 4/2003 - 4/2013 (USD/ounce)
Nguồn: Kitco.com
Áp lực giảm giá vàng đang đến từ nhiều phía khiến giới đầu tư bán tháo mạnh kim loại quý này:
Kinh tế Mỹ khả quan không hỗ trợ giá vàng
Nền kinh tế Mỹ diễn biến càng tốt, giá vàng càng đối mặt với nguy cơ giảm. Có thể thấy, những báo cáo kinh tế vĩ mô được cải thiện mạnh đã góp một phần lớn vào đà giảm gần đây trên thị trường vàng. Doanh số bán lẻ trong tháng 3/2013 tăng và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ thấp hơn dự báo. Việc này khiến các nhà đầu tư chuyển tiền từ tài sản an toàn như vàng sang các tài sản rủi ro hơn như chứng khoán. Tuần trước, chứng khoán Mỹ đã liên tiếp lập kỷ lục khi cả S&P 500 và Dow Jones đều lên cao nhất mọi thời đại.
Ngày càng xuất hiện nhiều đánh giá tích cực cho triển vọng kinh tế Mỹ đi kèm với những dự báo thời điểm tăng lãi suất. Mặc dù đấy chỉ là dự đoán nhưng cũng đủ gây sức ép cho vàng – tài sản vốn hưởng lợi từ môi trường lãi suất thực tiêu cực
Thêm nữa, Fed đã phát tín hiệu có thể xem xét giảm tốc độ mua tài sản do những quan ngại về tình trạng bong bóng tài sản. Rõ ràng việc ngân hàng Trung ương Mỹ hãm phanh mở rộng bảng cân đối tài sản sẽ làm mất tính thu hút của kim loại vàngXu hướng thắt chặt tiền tệ không tốt cho vàng
Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công và họ sẽ không sẵn sàng để tung ra bất cứ chính sách tài khóa mới nào. Cùng lúc, các nền kinh tế mới nổi của châu Á cũng có thể xem xét rút lại chính sách kích thích kinh tế vì nguy cơ gây ra bong bóng tài sản và lạm phát trong bối cảnh chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo tại các nền kinh tế phát triển thúc đẩy các dòng vốn nóng chảy vào khu vực.
“Các biện pháp kích cầu giúp châu Á duy trì tăng trưởng đã đến lúc có thể phản tác dụng. Khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục, một vấn đề nổi lên là nguy cơ tăng trưởng quá nóng của một số nền kinh tế lớn” - báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB đánh giá.
Nhận định trên của WB đã đẩy giá vàng giảm nhanh, bởi chính sách bơm tiền để kích thích kinh tế vẫn được xem là nguồn lực hỗ trợ quan trọng của giá vàng
Lo ngại Síp bán vàng tạo tiền lệ tại châu ÂuNgày 11/4, bộ ba chủ nợ - Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo Síp cần phải huy động thêm gần 6 tỷ euro nữa để được nhận 10 tỷ euro cứu trợ. Số tiền nhận được không đổi, trong khi điều kiện lại tăng gần gấp đôi khiến Síp càng thêm bí bách. Nhiều báo cáo cho biết nước này có thể sẽ bán một lượng lớn vàng dự trữ để có thêm 400 triệu euro. Ngân hàng Trung ương Síp sau đó phủ nhận thông tin này nhưng thị trường vẫn bán tín bán nghi và điều khiến giới đầu tư lo ngại hơn cả là khả năng các nước nặng nợ ở Eurozone sắp tới có thể theo chân Cyprus bán vàng để có tiền giải quyết khủng hoảng nợ. Những lo ngại này đã góp phần đẩy giá vàng giảm mạnh trong những phiên giao dịch vừa qua.
Dự báo tiêu cực của hàng loạt tổ chức tài chính lớn
Ngày 10/4/2013, Tập đoàn Goldman Sachs giảm dự báo giá vàng năm 2013 xuống 1.545 USD/ounce từ 1.610 USD/ounce trước đó. Dự báo cho năm sau cũng chỉ còn 1.350 USD/ounce. Goldman cho biết: "Chúng tôi tin rằng việc giá vàng bật lại là điều không thể. Mức giảm này có thể còn nhanh và mạnh hơn dự đoán".
Ngân hàng Societe Generale trước đó cũng cho biết giá vàng đang trong thời kỳ bong bóng. Deutsche Bank cũng hạ dự báo giá vàng năm 2013 thêm 12% với lý do đồng USD đang mạnh lên và nhu cầu mua vàng làm tài sản trú ẩn giảm đi.
Bên cạnh đó, nhu cầu vàng thời gian gần đây cũng được ghi nhận không mấy tích cực. Năm 2012, nhu cầu vàng thế giới sụt giảm 4% bất chấp sức mua từ các ngân hàng Trung ương toàn cầu lên mức cao nhất 48 năm. Nhu cầu vàng tại Ấn Độ – thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – giảm 12% bởi đồng rupee mất giá và thuế nhập khẩu vàng cao.
Tất cả những nguyên nhân trên đã khiến các nhà đầu tư “tháo chạy” khỏi thị trường vàng, khiến giá vàng lao dốc không phanh. Không khí bán tháo bao trùm thị trường khi các quỹ tín thác, dẫn đầu là quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust ồ ạt xả vàng và đến nay được cho đã bán hết số vàng mua vào trong 2 năm trở lại đây.
Có nên mua vàng ở thời điểm hiện tại?
Câu hỏi ngự trị trong đầu rất nhiều giới đầu tư hiện nay là liệu có nên mua vàng ở thời điểm này để chờ đợi thị trường tiến về ngưỡng 2.000/ounce hay ngược lại, giá vàng sẽ quay về vùng 1.000/ounceNhiều chuyên gia bày tỏ ý kiến lạc quan cho rằng, đây chỉ là đợt điều chỉnh tất yếu của giá vàng và thị trường tăng còn lâu mới kết thúc. Ghi nhận tại các cửa hàng vàng tại Việt Nam những ngày qua cho thấy, khi giá vàng rơi tự do, người dân và nhà đầu tư nhỏ lẻ đã xếp hàng đi mua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài các yếu tố có thể cản trở giá vàng đi lên đã kể trên, còn có các lý do khác cần phải thận trọng với xu hướng ngắn hạn của vàng là: theo lịch sử giá vàng thường suy yếu nhất vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 7; niềm tin vào vàng đã phần nào sứt mẻ; giá vàng đã từng sụt giảm 47% trong những năm 1970…
Theo Hồng Vân - http://www.tapchitaichinh.vn