Theo dõi đầu tư vào Việt Nam
Đầu tư trực tiếp của khu vực tư nhân trong và ngoài nước góp phần tăng cường, nâng cao năng lực sản xuất và kết quả là tạo thêm công ăn việc làm cùng như thúc đẩy các quốc gia tham gia tích cực hơn trên thị trường toàn cầu.
Thực tế, năng lực hoạch định chính sách và đo lường tác động chính sách đối với hiệu quả đầu tư của một quốc gia phụ thuộc vào mức độ chính xác và phù hợp của các thông tin được đưa ra. Chính vì thế, các quốc gia đang phát triển cần có biện pháp giám sát các dòng và xu hướng đầu tư trong nền kinh tế của mình để có thể đánh giá hiệu suất của các dòng đầu tư đó, cũng như xác định tác động của các loại hình đầu tư lên các chỉ số kinh tế trọng điểm.
Đáng chú ý, việc xây dựng chính sách dựa trên các số liệu thực chứng cũng giúp các quốc gia phát triển đạt được các mục tiêu phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng việc làm cũng như mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện Việt Nam đang ở giai đoạn bản lề trong quá trình phát triển và hiện đại hóa công nghiệp. Trong Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 2011 - 2015, Việt Nam đặt định hướng vào năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong nhũng năm gần đây, công nghiệp Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam, đóng góp một phần lớn của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, Việt Nam cần hiểu biết hơn nữa về tác động của FDI trong quá trình phát triển của mình. - Đại diện UNIDO Hà Nội - Patrick Gilabert nhấn mạnh.
Theo ông Patrick Gilabert, Cục Đầu tư Nước ngoài sẽ gặp thách thức khi đưa ra các chính sách phù hợp trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Chính vì thế, hệ thống Theo dõi Đầu tư Việt Nam (V-IMP) sẽ hướng vào các cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực sản xuất, cụ thể, giúp ban quản lý dự án có một cái nhìn đúng hơn về chuyển dịch cơ cấu đầu tư - đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư của Việt Nam.
Dự án V-IMP với khoản tài trợ 975.000 USD từ quỹ Liên hợp quốc dựa trên việc theo dõi 1944 doanh nghiệp, trong đó, 33% số doanh nghiệp là DN vừa và nhỏ (SMEs) với phần lớn là các doanh nghiệp cơ khí, dệt may, cao su, nhựa gia đình... từ 9 tỉnh để với 3 nghiên cứu chính là chuỗi cung ứng, theo dõi đầu tư Việt Nam và công cụ trao đổi giữa các đối tác.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đỗ Nhất Hoàng, hiện nay, với nhu cầu chuyển dần các dự án đầu tư nước ngoài theo quy mô, số lượng dự án sang hiệu quả chất lượng, dự án Hệ thống Theo dõi Đầu tư Việt
Nam ra đời sẽ góp phần giúp quản lý tốt hơn các dự án FDI.
Hiện nay, Cục Đầu tư Nước ngoài đã tiến hành khảo sát tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh - Đây là 9 địa phương thu hút nhiều dự án cũng như quy mô dự án FDI nhất trên cả nước. Hiện dự án đang được xúc tiến triển khai giai đoạn 2, mở rổng ra nhiều địa phương trên cả nước.
Minh bạch trong đối thoại giữa Chính phủ và tư nhân
Cùng với hệ thống Theo dõi Đầu tư Việt Nam là nơi lưu giữ trực tuyến đồng thời cũng là công cụ cho phép truy cập công khai dữ liệu Khảo sát phục vụ cho những nghiên cứu mang tính tương tác, Báo cáo Đầu tư Công nghiệp Việt Nam V-IMP, hướng đến mục tiêu đóng góp tạo ra tính minh bạch trong đối thoại giữa Chính Phủ và khu vực tư nhân trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt trên con đường phát triển công nghiệp.
Báo cáo này cũng cho thấy, hiện các nhà đầu tư Trung Hoa Đài Bắc đang chiếm tỷ lệ cao nhất với 25%, đứng sau đó là 23%, Hàn Quốc (18%), Hoa Kỳ (5%), sau cùng là Singapore với 5%. Đáng chú ý, có tới 51% doanh nghiệp đầu tư với động cơ tìm kiếm hiệu quả, 46% tìm kiếm thị trường nội địa và chỉ 3% doanh nghiệp FDI tìm kiếm nguồn lực.
Theo đánh giá, so với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp nhiều hơn cho xuất khẩu và các doanh nghiệp này chủ yếu nhập khẩu nhiều sản phẩm trung gian cho sản xuất với khối lượng xuất khẩu duy trì ở mức cao nhưng tăng trưởng xuất khẩu dường như đang có xu hướng giảm dù vẫn ở mức tích cực. Đặc biệt, liên kết dọc/liên kết ngược chiều của doanh nghiệp nước ngoài cao hơn các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường trong nước.
Chính vì thế, theo chuyên gia UNIDO - Stefan Kratzsch, Việt Nam cần đánh giá mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hiểu rõ mối quan hệ giữa định hướng xuất khẩu, tạo việc làm, giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, đặc biệt, thị trường trong nước cần là bước đệm để tiến tới việc tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn nữa cũng như mở rộng thị trường trong khu vực.
Thêm vào đó, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó, nâng cấp mạng lưới điện và cơ sở hạ tầng được ông Stefan cho là đòn bẩy để từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ khai thác năng lực sản xuất và hiệu quả đầu tư. Ngay cả các chính sách ưu đãi đầu tư và khu công nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ để làm đối trọng với các hoạt động vốn là lãnh địa của doanh nghiệp FDI cũng cần xem xét để giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng "vênh" giữa kế hoạch đầu tư và thực hiện của các doanh nghiệp FDI.
Để giải quyết hạn chế trong công tác chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, một khuyến nghị nữa cũng được đại diện UNIDO đề xuất là Chính phủ Việt Nam nên hỗ trợ nhiều hơn cho các liên doanh, theo đó, dùng các liên doanh để khai thác sự năng động của thị trường đang tăng trưởng của Việt Nam. Đồng thời, các liên doanh này cũng có thể giữ vai trò "truyền dẫn" hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các đối tác trong nước và nước ngoài.
Theo www.taichinhdientu.vn