Được ví như “Khoán 10” đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, sau 6 năm thực hiện, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã tạo bước chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị này.
Chủ trương lớn có sức lan tỏa mạnh
Theo báo cáo tổng kết của liên Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và ý kiến của các Bộ, tỉnh cho thấy, 2 Nghị định đã đem lại những kết quả tích cực, có sức lan tỏa mạnh. Cụ thể, trong 6 năm triển khai Nghị định 130, đối với các Bộ đã giao thực hiện chế độ tự chủ cho 100% đơn vị trực thuộc. Ở địa phương, các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, phòng, ban thuộc cấp huyện đã có 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bàn giao chế độ tự chủ đối với các đơn vị trực thuộc.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế, tính đến năm 2010, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tiết kiệm được 1.273 biên chế; các địa phương tiết kiệm được 8.886 biên chế. Mức chi trả thu nhập ở các Bộ, ngành địa phương bình quân tăng từ 0,1 - 0,5 lần mức tiền lương cấp bậc, chức vụ.
Theo báo cáo của liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, sau 4 năm thực hiện Nghị định 43 này, toàn quốc đã có 25.631 đơn vị sự nghiệp công lập đã được bàn giao tự chủ tài chính. Số thu sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Năm 2008 đạt khoảng trên 37.509 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt 40.056 tỷ đồng... Hầu hết các ý kiến nêu lên tại hội nghị đều nhận định, có 3 ưu điểm thu được từ chủ trương lớn này:
Một là, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được tách bạch rõ (cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công); cơ chế tự chủ đã thúc đẩy cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị; từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Hai là, tạo quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc sử dụng có hiệu quả biên chế, kinh phí, nguồn thu sự nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo tính công khai minh bạch.
Ba là, thúc đẩy thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; tạo điều kiện tăng thu nhập hợp pháp cho người lao động, gắn với hiệu suất công tác của từng cán bộ công chức, viên chức; đồng thời tạo thêm nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương khu vực hành chính, sự nghiệp. Tạo điều kiện cho cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp tăng thêm thu nhập cho người lao động gắn với chất lượng, hiệu quả công việc. Cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm đã góp phần thúc đẩy các cơ quan sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị; tiết kiệm kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hoá công nghệ quản lý, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức...
Đánh giá những kết quả thực hiện 2 Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, sau một thời gian thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính, các Nghị định cơ bản đạt được mục tiêu. Các cơ quan đơn vị sự nghiệp đã phát huy mọi nguồn lực để cung cấp dịch vụ, đảm bảo công khai minh bạch trong cơ chế tự chủ.
Thực tiễn cho thấy, 2 Nghị định đã được triển khai tích cực và quyết liệt, nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nghị định 130 không chỉ được áp dụng trong các đơn vị hành chính nhà nước, mà còn được áp dụng khá rộng trong các đơn vị tài chính của Đảng và cho cả các đơn vị lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định mới quy định áp dụng ở cấp huyện trở lên, nhưng trên thực tế, nhiều địa phương đã thực hiện cả ở cấp xã, phường, thị trấn...
Cần tiếp tục sửa đổi hoàn thiện
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo các đại biểu tham gia hội nghị, trong quá trình thực hiện, 2 Nghị định này vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, Nghị định 130 quy định nguồn kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan thực hiện chế độ tự chủ từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp; các khoản phí, lệ phí được để lại theo chế độ quy định; các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do không quy định cụ thể khoản thu nào được gọi là “khoản thu hợp pháp khác” của cơ quan nhà nước; vì vậy trên thực tế một số cơ quan nhà nước có phát sinh các khoản tận thu nhưng không hạch toán khoản thu này vào nguồn thu của cơ quan.
Bên cạnh đó, việc xác định định mức ngân sách giao thực hiện cơ chế tự chủ chủ yếu căn cứ vào biên chế, nên chưa gắn với kết quả, chất lượng công việc. Các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương luôn có xu hướng đề nghị tăng biên chế để được... giao tăng kinh phí tự chủ.
Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Nghị định 43 cũng còn chậm, chưa có bước chuyển biến có tính đột phá; việc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công giữa cơ quan quản lý nhà nước với đơn vị sự nghiệp còn chưa rõ ràng, hiệu quả do việc ban hành cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Nghị định 43 còn chậm, chưa đồng bộ...
Đồng tình với các ý kiến này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn thừa nhận: “Quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với cơ quan nhà nước, đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là còn bất cập, yếu kém. Việc triển khai ở nhiều lĩnh vực còn chậm đổi mới, nặng về tư duy bao cấp, các đơn vị chưa chủ động huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển dịch vụ. Chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh thấp, chất lượng dịch vụ công chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, sử dụng ngân sách nhà nước chưa thực sự hiệu quả là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước”.
Tiếp nhận ý kiến phản ánh từ các Bộ, ngành và các địa phương, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, sẽ khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách để tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, đối với Nghị định 130, sẽ điều chỉnh theo hướng mở rộng thực hiện đối với tất cả Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; quy định các cơ quan được phép sử dụng lợi thế về khoảng không trụ sở, sân vườn cho thuê để tận thu bổ sung nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan; bổ sung quy định cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được chủ động quyết định việc tổ chức tuyển dụng trên cơ sở xác định vị trí việc làm, định mức công việc cán bộ công chức theo quy trình tuyển dụng được pháp luật quy định.
Đối với Nghị định 43, sẽ có các giải pháp nhằm đổi mới phương thức đầu tư của NSNN theo hướng NSNN đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng miền núi, biên giới và hải đảo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, đối với những nội dung của hai Nghị định đã khẳng định tính đúng đắn thì cần tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc. Có những nội dung cần sửa đổi bổ sung, nhưng cũng có những nội dung do triển khai thực hiện không đúng. Ngoài ra, còn có nguyên nhân của bất cập, hạn chế là do thiếu các cơ chế đồng bộ của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể chứ không phải do quy định của Nghị định...
Thời gian tới, để phát huy được hiệu quả của các Nghị định, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện “Khoán” này cho phù hợp với lộ trình cải cách hành chính nhà nước và tiền lương giai đoạn 2012 - 2020 theo hướng:
Thứ nhất, đối với cơ quan Nhà nước, tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ quan chủ động trong sử dụng biên chế và kinh phí một cách hợp lý nhất để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, theo vị trí việc làm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng kinh phí, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Từng bước xây dựng hệ thống định mức “kinh tế - kĩ thuật” phù hợp trong từng lĩnh vực, gắn với quản lý chất lượng, trên cơ sở đó hoàn thiện và từng bước thực hiện cơ chế phân bổ kinh phí, quản lý tài chính gắn với kết quả công việc.
Thứ hai, đối với đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện chuyển đổi từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thực đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kĩ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ. Chuyển dần từ phương thức cấp phát trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công sang cấp phát cho đối tượng thụ hưởng; Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hoá cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (các trường đại học, cơ sở dạy nghề, bệnh viện…) được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp; đơn vị được vay vốn các tổ chức tín dụng, huy động của các cán bộ viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sự nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Quy định rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý và điều hành đơn vị sự nghiệp, có cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; Đổi mới cơ chế theo hướng tính đủ giá dịch vụ đặt hàng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công; Nhà nước quy định giá hoặc khung giá sản phẩm, dịch vụ đối với các loại dịch vụ cơ bản, có vai trò thiết yếu đối với xã hội; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong giá dịch vụ sự nghiệp; thực hiện có lộ trình việc xoá bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ; Tăng cường hoàn thiện các công cụ quản lý và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công nhằm hướng tới việc cung cấp tốt hơn cả về số lượng và chất lượng dịch vụ cho toàn xã hội...
Lần đầu tiên, toàn bộ nội dung một cuộc họp của liên Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ được truyền hình trực tuyến trên mạng Internet để các cán bộ cơ sở và nhân dân cả nước có thể theo dõi, đóng góp ý kiến.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, phương án ban đầu là tổ chức hội nghị toàn quốc, số lượng cán bộ có thể tham dự là rất ít, vì mỗi tỉnh chỉ có thể có từ 1 đến 2 đại biểu. Còn nếu tổ chức theo hình thức trực tuyến thì tất cả lãnh đạo tỉnh, các Sở, Ban ngành, thủ trưởng các đơn vị nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lớn tại địa phương đều có thể theo dõi hội nghị tại các điểm cầu.
Bên cạnh đó, khi được trực tuyến cho người dân biết, những nội dung thảo luận sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống hơn.
Được biết, theo thống kê của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trong ngày diễn ra hội nghị, đã có gần 11 ngàn lượt người dân truy cập, theo dõi qua mạng Internet...
|
Theo www.taichinhdientu.vn