Ông Cường cũng cho biết, theo Quyết định 24, để có kế hoạch điều chỉnh giá điện, liên Bộ Tài chính- Công Thương phải kiểm tra giá thành sản xuất điện cả năm 2012. Hiện nay, tổ công tác của Bộ đang kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
“Trong tháng 10 vẫn chưa có phương án tăng giá điện, Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN tính toán giá thành của cả năm 2012 và tiếp đến giai đoạn 2015, sau khi có đầy đủ thì Bộ mới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt” - ông Cường cho hay.
|
Ngành điện chưa có điều chỉnh giá trong tháng 10. |
Về việc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) điều chỉnh tăng giá than bán cho ngành điện từ ngày 15/9, ông Cường cũng cho biết, việc tăng giá than đã được xem xét tính toán trong giai đoạn 2010 – 2012. Do vậy, Liên bộ sẽ phải tính toán xem xét mới có thể trả lời về khả năng điều chỉnh giá điện.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chi phí đến cuối năm 2102, ngành điện phải chịu thêm chi phí đầu vào do giá than tăng là 890 tỷ đồng.
Tổng điện năng sản xuất tăng, vướng mắc về vốn
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 9 đã huy động tối đa các nguồn điện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước.
Theo đó, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 9 đạt 7,932 tỷ kWh, ước cả tháng 9 là 9,957 tỷ kWh. Công suất cực đại của hệ thống điện quốc gia trong tháng 9 ghi nhận đến ngày 24/9 là 17.152MW. Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 87,388 tỷ kWh, tăng 10,16% so với cùng kỳ năm 2011.
Nguồn điện toàn hệ thống về cơ bản vận hành ổn định, không xảy ra sự cố lớn gây ảnh hưởng đến cung cấp điện toàn hệ thống. Lưới điện truyền tải 500-220kV vận hành ổn định, đảm bảo khả năng truyền tải công suất giữa các khu vực, cũng như từ các nhà máy điện, không xảy ra tình trạng quá tải và sự cố gây cắt giảm điện.
EVN cho biết đã triển khai vận hành thị trường điện có thanh toán từ 15/6, chính thức từ 1/7; Đồng thời thực hiện việc chuyển đổi các hợp đồng mua bán điện với các nhà máy điện theo quy định của Thông tư 41.
Trong 9 tháng, EVN đã đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.153MW, gồm TM1&2 thuỷ điện Kanak, TM1&2 thuỷ điện Đồng Nai , TM 5&6 thuỷ điện Sơn la; Đã đóng điện hoàn thành đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hoà.
Hiện tại EVN còn gặp nhiều khó khăn về huy động vốn đầu tư, mới chỉ huy động được trên 54.000 tỷ đồng cho kế hoạch 2012 (khoảng 73% nhu cầu), vẫn còn thiếu gần 20.000 tỷ đồng. Công tác thoả thuận tuyến đường dây, đền bù giải phóng mặt bằng các công trình điện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, gây chậm tiến độ của dự án.
Đưa vào vận hành 7 tổ máy trong tháng 10
Theo dự báo của EVN, trong tháng 10, tổng nhu cầu tiêu thụ điện toàn hệ thống quy đổi về sản lượng điện sản xuất đầu cực máy phát điện bao gồm cả điện nhập khẩu tháng 10/2012 dự kiến đạt 10,269 tỷ kWh.
EVN cũng dự kiến, trong tháng 10 có 7 tổ máy mới được đưa vào vận hành với tổng công suất 301,5 MW sẽ là nguồn điện bổ sung hiệu quả cho hệ thống, bao gồm: tổ máy 1 thủy điện Bản Chát - 110MW; tổ máy 1 thủy điện Nậm Chiến - 100MW; tổ máy 1 thủy điện Tà Thàng - 30MW; tổ máy 1 thủy điện Văn Chấn - 19MW; tổ máy 1 nhiệt điện Nông Sơn - 15MW; tổ máy 1 thủy điện Sông Giang 2 - 18,5MW; tổ máy 2 thủy điện Đăk Mi 4C - 9MW.
Hiện nay, các hồ thủy điện lớn trên cả 3 miền đã triển khai tích nước hồ chứa, cộng thêm với việc đưa vào vận hành 301,5MW công suất nguồn điện mới nêu trên, hệ thống điện đủ đáp ứng nhu cầu điện của phụ tải toàn hệ thống điện, việc cung ứng điện tháng 10/2012 về cơ bản được đảm bảo nếu như không có các diễn biến quá bất thường xảy ra như sự cố lớn ở các nhà máy điện, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đột biến...
Để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả cần thiết tiếp tục đẩy mạnh trên phạm vi cả nước./