Hải quan thuận lợi hơn trong tác nghiệp
Liên quan đến hoạt động XNK, Luật XLVPHC quy định những biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó Điều 32 quy định buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện. Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện đưa vào lãnh thổ nước Việt Nam, NK trái với quy định của pháp luật hoặc tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật. Biện pháp khắc phục hậu quả này cũng được áp dụng đối với hàng hóa NK, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu NK được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
Theo một số ý kiến từ phía cơ quan hải quan, Luật XLVPHC có tính răn đe hơn đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể tại Điều 33 quy định buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hoá phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện. Phạt tiền đến 200 triệu đồng, đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế; đo lường; sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm…
Đánh giá về Luật XLVPHC, ý kiến từ một số đơn vi thuộc lực lượng kiểm soát hải quan cho rằng, quy định về buộc tái xuất và tiêu hủy hàng hóa sẽ tạo thuận lợi hơn cho cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong thực thi nhiệm vụ, tạo thuận lợi, tăng hiệu lực, hiệu quả hành pháp cho cơ quan hải quan.
Thẩm quyền xử phạt của hải quan
Điều 42 Luật XLVPHC quy định về thẩm quyền của hải quan, cũng là điểm mới, xác định rõ căn cứ thẩm quyền cho lực lượng thực thi.
Theo đó, công chức hải quan đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 500.000 đồng; Đội trưởng thuộc chi cục hải quan, Đội trưởng thuộc chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 5 triệu đồng.
Chi cục trưởng Chi cục hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, đội trưởng đội kiểm soát thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu, đội trưởng đội thủ tục hải quan; hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và đội trưởng đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan có quyền phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 25 triệu đồng, được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 25 triệu đồng.
Đối với mức độ vi phạm lớn, nghiêm trọng hơn, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan - Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền: Phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 50 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 50 triệu đồng;
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm d, đ, g, i và k Khoản 1 Điều 28 của Luật này./.
Theo H.Nam - http://www.mof.gov.vn