Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Xử lý nợ xấu, "làm sạch" chất lượng tín dụng ở hệ thống ngân hàng
Ngày cập nhật 30/09/2014

Nợ xấu thực chất là điều bình thường trong hoạt động ngân hàng nhưng nợ xấu ở quy mô nào lại là điều đáng quan tâm. Ngoài cách ví như “cục máu đông” trong huyết mạch nền kinh tế, nhiều chuyên gia so sánh nợ xấu hiện nay giống như chiếc xe bị hỏng giữa đường gây ách tắc cả một đoàn xe đang vận hành mà câu chuyện thông xe đang rất rối.

Rủi ro lại tiềm ẩn

Một trong những nguyên nhân chính gây ra nợ xấu bắt nguồn từ yếu tố suy giảm của nền kinh tế. Đến thời điểm này, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn “ốm yếu” và điều đó khiến quá trình xử lý nợ xấu không những chậm lại mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.

Ảnh minh họa

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nhận định, nợ xấu đang có nguy cơ gia tăng trở lại do môi trường kinh doanh chưa có sự cải thiện và giải pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu chưa được triển khai quyết liệt. Đến thời điểm này, xử lý nợ xấu đang ở giai đoạn khó khăn nhất.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên dẫn chứng, một trong những khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu hiện nay là thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ cho việc này.

"Xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường. Mặt khác, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu chậm được khắc phục, hoàn thiện. Bên cạnh đó, một bộ phận tổ chức tín dụng chưa chủ động tái cơ cấu và chưa tích cực xử lý, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC)."

Ở một góc nhìn khác, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận định, rủi ro nợ xấu trong tương lai lại tiềm ẩn khi các ngân hàng thương mại đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2014, đặc biệt là những tháng cuối năm để đạt chỉ tiêu kế hoạch.

Trong khi đó, năng lực tài chính của khách hàng vay vốn vẫn chưa cải thiện nhiều, cơ hội sản xuất kinh doanh đầu tư mới chưa thực sự khả thi.

Còn tiến sỹ Trần Du Lịch , thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia thì đánh giá, t rong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực giải quyết nợ xấu và đã đạt được kết quả ban đầu. Cụ thể, cơ quan này đã áp dụng nhiều biện pháp như cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ mang lại những hiệu quả tích cực. 

Theo số liệu mới cập nhật, từ năm 2012 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được khoảng 201.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng nợ xấu lại tiếp tục phát sinh do nợ “dây chuyền” của doanh nghiệp tác động lây lan. Trong đó, VAMC cho đến hiện nay chỉ mới mua được kh oảng 60.000 tỷ đồng nợ xấu. 

“Đó là những thành quả ban đầu đáng ghi nhận nhưng tôi cho rằng hiện nay việc xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vấn đề khó kh ă n và tiềm ẩn rủi ro,” tiến sỹ Trần Du Lịch nói.

Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, làm suy giảm năng lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước. Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, phục hồi chậm vì vậy việc huy động vốn, thu hút các nhà đầu tư trong nước tham gia tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

VAMC thiếu “sức mạnh”

Hơn 1 năm trước, sự ra đời của VAMC được kỳ vọng sẽ góp phần chủ đạo trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Công ty này dường như vẫn chưa làm “thỏa lòng” nhiều người bởi những nguyên nhân khách quan. 

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định , để xử lý nợ xấu VAMC phải là một “chàng trai” vô cùng dũng mãnh, nghĩa là phải đủ năng lực, nguồn lực, quyền lực và pháp lực.

Nếu chiếu theo những tiêu chí mà vị chuyên gia đầy kinh nghiệm này nêu ra thì VAMC dường như chưa hội đủ điều kiện. Tiến sỹ Võ Trí Thành dẫn giải, về năng lực thì VAMC chỉ có mấy chục người, trong khi đó xử lý nợ xấu để phát triển thị trường nợ, đánh giá mua bán nợ thì cả nghìn chuyên gia còn là rất khó. Về nguồn lực tài chính thì hiện nay VAMC còn rất hạn chế. 

Tuy nhiên, theo ông để khắc phục điều đó thì có rất nhiều cách, trong đó có các nguồn lực sẵn có, như cổ phần hóa doanh nghiệp, hoặc một nguồn lực nữa có thể tạo ra tiền, quay vòng đồng tiền là khi VAMC có đủ quyền lực và pháp lực. 

Còn về pháp lực, tiến sỹ Nguyễn Trí Thành cho rằng Việt Nam có hai vấn đề lớn chưa giải quyết là phát triển thị trường mua bán nợ và xử lý tài sản đảm bảo.

“Thị trường mua bán nợ phải phát triển, phải bán được cục nợ nào đấy thì mới có tiền để làm tiếp. Phải nghĩ ra những cách rất đặc biệt để VAMC có thể làm, để tạo ra tiền, chứ hiện nay chúng ta chưa có cách để bơm tiền,” tiến sỹ Võ Trí Thành nói.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên cũng nhận định, một trong những khó khăn đối với quá trình xử lý nợ xấu là VAMC không có những cơ chế hỗ trợ đặc thù nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của công ty này, đặc biệt là triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường và xử lý các khoản nợ xấu đã mua.

Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Trần Du Lịch cũng nhận định: chức năng và năng lực tài chính của VAMC bị hạn chế dẫn đến xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại. 

“Chúng ta không thể tay không bắt giặc. Cần phải bổ sung năng lực tài chính; đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản đảm bảo theo hướng trao quyền chủ động nhiều hơn cho VAMC,” tiến sỹ Trần Du Lịch nói.

Giải quyết nợ xấu không chỉ trông chờ VAMC

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng khẳng định, ở các quốc gia khác, nợ xấu được xử lý bằng tiền mặt và người ta dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, còn ở Việt Nam, xử lý nợ xấu trong điều kiện khó khăn, ngân sách nhà nước thì hạn chế. Việc xử lý nợ xấu mà không sử dụng vốn ngân sách là mô hình riêng của Việt Nam mà trên thế giới chưa có tiền lệ.

Lãnh đạo VAMC cũng cho biết, cơ quan này đang đề xuất tăng vốn điều lệ cho VAMC lên 2.000 tỷ đồng nhằm tăng thêm nguồn lực xử lý nhanh nợ xấu đang ngày càng tăng.

Tiến sỹ Trần Du Lịch thẳng thắn nhận định, với số vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng được cấp ban đầu cho VAMC thì không làm được gì cả trong khi phải xử lý nhanh, dứt điểm hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ của cả hệ thống ngân hàng.

“Câu chuyện này phải tính và giải quyết ngay chứ không thể để 2 năm nữa vẫn còn ngồi loay hoay bàn bạc với nhau cách nào xử lý nợ xấu. Khi vấn đề nợ xấu đặt ra thì tự thân hệ thống ngân hàng không thể tự giải quyết nổi, họ cần dòng tài chính từ ngoài rót vào, sau đó dòng vốn này sẽ kích hoạt động và sẽ được thu trở lại,” tiến sỹ Trần Du Lịch lý giải.

Còn phó giáo sư-tiến sỹ Nuyễn Hồng Sơn thì nhận định, không thể chỉ trông chờ vào việc giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng qua VAMC vì về bản chất, việc VAMC mua lại nợ bằng tiền thực hay tiền ảo thì cũng chỉ giải quyết được về mặt kỹ thuật.

Xóa sổ nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, bản chất khoản nợ xấu đó vẫn chưa thu hồi được, chưa giúp ngân hàng và doanh nghiệp trong việc cải thiện tình hình tài chính.

Khi nợ xấu của doanh nghiệp tại ngân hàng được xóa bỏ thì chất lượng tín dụng của ngân hàng đó mới được cải thiện. Và khi doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về khả năng thanh toán nên ngân hàng có thể cấp thêm tín dụng cho doanh nghiệp này khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này lại tiềm ẩn rủi ro nợ xấu trong tương lai khi món vay mới của doanh nghiệp không được đánh giá chính xác trên cơ sở tài chính lành mạnh. /.

Theo VietNam+
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 575
Chung nhan Tin Nhiem Mang