Tình trạng yếu nhân lực, thiết bị xuống cấp đang diễn ra ở nhiều đài truyền thanh cơ sở dẫn đến yếu kém về nội dung, thời lượng lẫn chất lượng chương trình phát sóng.
|
Đài truyền thanh thành phố Huế được trang bị các thiết bị hiện đại
|
Cha chung không ai khóc
Trong chuyến công tác ở các xã vùng ven biển, đầm phá, chúng tôi dừng chân ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) vào lúc 11h30 giữa trưa nắng oi bức, không gian lặng im. Đi từ đầu xã đến cuối xã, quan sát có hơn 5 cụm loa truyền thanh treo trên các trụ điện nhưng lại im phăng phắc. Ông Phạm Văn Thí, thôn Thủy Lập cho biết: “Không hiểu vì lý do gì mà mấy tháng nay, đài truyền thanh không “nói”. Tui quần quật với công việc cả ngày nên không có thời gian xem ti vi. Đài không thông báo mỗi khi đến mùa vụ không biết khung lịch thời vụ của địa phương ban hành như thế nào để thực hiện”.
Tương tự, xã Lộc Bình (Phú Lộc) đài truyền thanh đã “đắp chiếu” gần 1 năm nay. Ông Lương Thế Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình bức xúc: “Năm 2013, thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh được một dự án phi chính phủ hỗ trợ 135 triệu đồng, xã đầu tư thêm 20 triệu đồng để địa phương được trang cấp đài truyền thanh trị giá 155 triệu đồng. Đưa vào sử dụng 1 tháng, đài bị hỏng, nhiễu sóng. Lãnh đạo địa phương điện thoại nhưng cơ sở bán đài ở Đà Nẵng không bắt máy. Liên lạc với một cơ sở khác về kiểm tra, họ bảo khắc phục được phải mất 15 triệu đồng”.
|
Phóng viên, biên tập viên truyền thanh Quảng Điền đang xây dựng chương trình phát thanh
|
Hiện nay, tình trạng thiết bị ở đài TTCS được trang bị một thời gian rồi hư hỏng, không hoạt động được, “cha chung không ai khóc” đang phổ biến ở nhiều địa phương. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo một xã cho biết, cái khó nhất trong việc bảo quản đài truyền thanh hiện nay, đó là bằng nguồn vốn từ các dự án cộng với một phần kinh phí địa phương, xã được trang bị đài truyền thanh và tự mày mò để sử dụng, chứ không được hướng dẫn kỹ thuật từ nhà cung cấp hoặc ngành chức năng. Sau thời gian ngắn, các thiết bị hư hỏng không biết kêu ai. Phần lớn các thiết bị đài truyền thanh xuất xứ từ Mỹ, Pháp… nên khi bị hỏng không có phụ tùng thích hợp thay thế. Để hệ thống đài TTCS phát huy hiệu quả, các địa phương đề nghị cần giao cho huyện, xã tự chọn mua loại đài phù hợp và giao trách nhiệm cho địa phương đó bảo quản, duy tu, bảo dưỡng.
Không chỉ vậy, hiện trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều đài TTCS đối diện với tình trạng yếu kém về nội dung, thời lượng lẫn chất lượng chương trình phát sóng. Đội ngũ làm công tác này không được đào tạo đúng chuyên ngành mà phần lớn làm kiêm nhiệm. Có thể nói, với một đội ngũ được giao phụ trách hệ thống đài truyền thanh nhưng không am hiểu về các thiết bị truyền thanh, cộng với chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên ý thức, trách nhiệm trong bảo quản cơ sở vật chất chưa cao.
Theo thống kê của Sở TT&TT, toàn tỉnh có 142/152 phường xã được trang bị hệ thống đài truyền thanh; trong đó, có khoảng 20 đài đã hư hỏng không hoạt động, một số đài khác gần như rơi vào tình trạng “đắp chiếu” do công suất quá yếu. Tại nhiều xã miền núi, hệ thống loa truyền thanh chỉ được lắp đặt ở trung tâm xã và một số vùng lân cận nên sóng không phủ hết các khu dân cư.
|
Lý giải về vấn đề này, ông Lê Viết Xuân-Phó Giám đốc Sở Thông tin&Truyền thông (TT&TT) cho rằng, hầu hết các đài TTCS được đầu tư bằng nhiều nguồn khác nhau như Chương trình Xây dựng nông thôn mới, mục tiêu quốc gia… Do không ai bảo quản, thao tác sử dụng không đúng, không đồng bộ, cộng với ý thức trách nhiệm chưa cao, nên tình trạng nhiều đài xuống cấp nhanh là không tránh khỏi.
Cần đầu tư đồng bộ
Qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn toàn tỉnh, các xã, phường cơ bản đều được trang bị đài TTCS. Tuy nhiên, đến nay có nhiều đài đã xuống cấp, không còn phát huy tác dụng. Đơn cử, như huyện A Lưới, có 7 xã từ trước đến nay chưa được trang bị đài truyền thanh hoặc đã bị hư hỏng từ lâu, người dân thiệt thòi trong việc thụ hưởng thông tin. Bằng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, Sở TT&TT vừa đầu tư 1,5 tỷ đồng trang bị 5 đài truyền thanh cơ sở cho 5 xã Hồng Quảng, Hương Lâm, Hồng Hạ, Hương Nguyên và Hồng Thủy (A Lưới). Đầu tư trang thiết bị theo hướng hiện đại máy phát sóng FM 50W, các dây dẫn, dây cáp… chất lượng tốt, đưa thông tin đến các thôn, bản trên toàn xã; kế hoạch tháng 11- 2014 đưa vào sử dụng. Đối với ba xã còn lại là A Ngo, Sơn Thủy, Phú Vinh, Sở TT&TT sẽ tiếp tục đầu tư trong năm 2015.
Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề trước khi trang cấp đài truyền thanh cho các địa phương trên thì nhân lực đã được đào tạo chưa? Chị Phan Thị Vẽ, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở TT&TT) thừa nhận, hiện nay cán bộ của 5 xã đang được trang cấp hệ thống đài truyền thanh chưa được đào tạo về chuyên môn. Năm 2013, Sở TT&TT có tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về thông tin và truyền thông cơ sở cho cán bộ công tác truyền thông cấp xã, phường, thị trấn, nhưng thời gian đó các xã này chưa có đài truyền thanh nên cán bộ ở các địa phương này chưa được đào tạo. Chúng tôi sẽ cố gắng đào tạo cho họ trong năm 2015”.
Trong khi đó, tháng 11 tới đây là hệ thống đài truyền thanh của 5 xã này đưa vào hoạt động, nhưng năm 2015 (chưa biết tháng nào) mới đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, thì trong thời gian đó, các đài truyền thanh phải trong tình cảnh thiết bị chờ người.