Chuyển biến
Lên huyện miền núi Nam Đông thời điểm này chúng tôi nhận thấy sự đổi thay rõ nét của bộ mặt nông thôn mới. Những cánh rừng cao su, rừng keo lai xanh bạt ngàn, những vườn cây ăn quả tươi tốt. Theo ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện, nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của Nam Đông là các xã đã chuyển đổi và xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp mang tính bền vững, như kinh tế vườn, trồng rừng kinh tế, cao su tiểu điền, cùng nhiều mô hình khác. Huyện đã tổ chức lựa chọn cây trồng phục vụ phát triển kinh tế vườn thông qua việc đánh giá các loại cây trồng khảo nghiệm như sầu riêng, mít Viên Linh, cam Valencia, sầu riêng, chôm chôm, chuối cấy mô… Trên cơ sở đó, đưa vào thử nghiệm nhiều giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác cả người dân.
Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, đến cuối năm 2014 giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản toàn huyện đạt 327,5 tỷ đồng, đạt 96% so với nghị quyết; sản lượng lương thực có hạt gần 4.600 tấn, đạt 103%; giá trị kinh tế vườn đạt 28 triệu đồng/ha/năm, đạt 80%; diện tích cây cao su đưa vào khai thác 2.100 ha, sản lượng đạt 7.300 tấn, đạt 66,4%; rừng trồng 4.450 ha, đạt 90%; quản lý rừng tự nhiên 6.756ha, đạt 112,6% so với nghị quyết.
|
Đến nay, toàn huyện có 588 ha vườn nhà, cho thu nhập hơn 28 triệu đồng/ha; hơn 4.300 ha vườn đồi, vườn rừng; trồng, chăm sóc và khai thác hơn 3.538 ha cây cao su. Riêng doanh thu từ 2.100ha cây cao su đến độ khai thác đạt khoảng 70 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ trồng cao su thu nhập 20-30 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm... Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh; nuôi ong lấy mật sản lượng mật ong đạt 45,5 tấn/năm... Huyện cũng thành lập các tổ, nhóm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm giúp người dân tích cực đầu tư, bảo vệ, phát triển rừng. “Chính thu nhập từ kinh tế vườn, rừng là điều kiện tiên quyết, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Nam Đông sớm về đích”, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông - Ngô Văn Chiến khẳng định.
Phát triển bền vững
Đa số các xã ở Nam Đông huy động được sức dân tham gia xây dựng hạ tầng bằng ngày công, hoặc hiến đất, giải phóng mặt bằng. Toàn huyện có 271 hộ đóng góp quỹ đất với diện tích 43.000m2, giá trị đất và hoa màu trên 924 triệu đồng; 4.730 ngày công lao động hưởng ứng phong trào giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường; Nhân dân tự đóng góp hơn 400 triệu đồng để xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt công cộng. Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 4 về xây dựng hạ tầng điện cho nông thôn miền núi cũng hết sức quan trọng, do phải đầu tư lớn, dân cư không tập trung, đặc biệt là các xã định canh định cư, nhưng đến nay Nam Đông là địa phương đi đầu trong tỷ lệ hộ sử dụng điện, với 99,9%.
Xã Hương Hòa, một trong những địa phương đầu tiên của huyện Nam Đông vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 23 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,5% nhờ phát triển kinh tế vườn, rừng là chủ yếu. Hiện 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, nhà ở khang trang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, các công trình trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang… Kinh tế của xã có bước tăng trưởng ổn định, xuất hiện nhiều mô hình mới, cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh cơ giới hóa. Nếu tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là hơn 20 tỷ đồng, thì người dân trên địa bàn xã đóng góp gần 8,5 tỷ đồng. Tương tự, tại xã Hương Giang, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,1 triệu đồng/năm, chủ yếu từ kinh tế vườn, rừng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,79%, nhiều năm không có trường hợp tái nghèo; nhà ở đạt chuẩn 92,73%; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao…
Ông Ngô Văn Chiến cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả cao và bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh canh tác thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất cho Nhân dân.