Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Những bước tiến vững chắc
Ngày cập nhật 24/03/2015

(TTH) - Phát huy truyền thống vùng đất giàu truyền thống cách mạng, 40 năm sau giải phóng quê hương (1975) và 25 năm tái lập huyện (1990), Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Phong Điền không ngừng nỗ lực phấn đấu, tạo bước chuyển mới về nhiều mặt.

Giàu truyền thống

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, Nhân dân Phong Điền đoàn kết một lòng, vượt qua thử thách, tổ chức phát động phong trào quần chúng đứng lên phá ấp chiến lược, xây dựng cơ sở cách mạng, tạo địa bàn, đưa các tiểu đoàn chủ lực về đánh và tiêu diệt địch ở đồng bằng. Với sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 802, Tiểu đoàn 806, bộ đội địa phương, dân quân du kích và Nhân dân Phong Điền liên tiếp mở những đợt tấn công, tổ chức những trận đánh vang dội.
Nhà máy xi măng Đồng Lâm - một dự án lớn góp phần thúc đẩy để Phong Điền trở thành vùng kinh tế năng động
Dốc Ba Trục, xã Phong Xuân là địa điểm quan trọng, được ví như “xương sống” trong kháng chiến chống Mỹ. “Tại điểm dốc Ba Trục, các đoàn dân công, bộ đội thường xuyên vận tải lương thực, vũ khí, đạn dược từ đồng bằng lên hậu cứ. Từ năm 1965 đến 1968, nhiều lãnh đạo của Khu ủy thuộc Quân khu 5 và các đồng chí trong liên tỉnh, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên thường xuyên lên về đồng bằng để chỉ đạo phong trào phá ấp chiến lược, đánh địch đi càn”, ông Trần Văn Luyện, nguyên cán bộ quân báo Huyện đội Phong Điền năm 1961-1975 cho biết.
“Tháng 7/1970, bộ đội địa phương và du kích Phong Điền đã tổ chức tấn công quận lỵ, diệt nguỵ quyền, tiêu diệt đại đội bảo an, 2 trung đội dân vệ, 50 tên bình định ác ôn, đốt cháy một kho xăng... Trận đánh này tạo chỗ dựa cho bộ đội địa phương, du kích tấn công liên tiếp. Trong đấu tranh, xuất hiện nhiều nhân tố điển hình, nhiều dũng sĩ diệt Mỹ như: Nguyễn Thị Tiển, Nguyễn Thị Kha, Hoàng Công Thành.... Phong Điền đã xây dựng được vành đai thép: Vành đai diệt Mỹ “Sơn - An - Nguyên” làm cho quân thù nhiều phen khiếp sợ”, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền, Đoàn Kỳ Côi thống kê.
Với thế tấn công nổi dậy, anh dũng, kiên cường của quân và dân Phong Điền, và những chiến thắng liên tiếp từ Phong Sơn, Phong Thu, Phong Hiền, Phong An, Phong Hoà, Phong Bình, Phong Chương, Phong Mỹ... Ngày 24/3/1975, quê hương Phong Điền hoàn toàn giải phóng; cùng cả tỉnh giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975), góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện Phong Điền đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc với 13/16 xã, thị trấn và 7 cá nhân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT Nhân dân; 4.790 gia đình có công, 36 cán bộ lão thành cách mạng; hơn 356 mẹ vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng nghìn cán bộ và người có công được tặng thưởng Huân chương Độc lập và huân, huy chương các loại... Đây là sự ghi nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của Đảng bộ và Nhân dân Phong Điền trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Đoàn kết vươn lên
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - ông Nguyễn Đại Vui cho biết, sau ngày quê hương giải phóng, nhất là sau khi phân chia lại địa giới hành chính cấp huyện (tháng 10/1990), Phong Điền gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo chiếm 62%.
Với quyết tâm, đoàn kết, thống nhất những khó khăn, thách thức đã dần khắc phục và đạt được nhiều thành quả. Nếu như năm 1990, điện lưới là niềm mơ ước của mọi người dân, thì nay, 100% xã, thị trấn có lưới điện quốc gia với 98% hộ dân sử dụng điện lưới phục vụ sản xuất và đời sống; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp, mở rộng, huyện lộ, đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thông suốt giữa các vùng, miền trong toàn huyện.
“Tốc độ đô thị hóa và xây dựng hạ tầng phát triển mạnh ở thị trấn Phong Điền có sức lan tỏa mạnh đến các vùng nông thôn. Một số trung tâm xã, cụm dân cư được tập trung đầu tư nhiều hạng mục hạ tầng, diện mạo đô thị có sự khởi sắc ở khu vực An Lỗ, Điền Lộc, Điền Hoà, Điền Hải, Phong Hải, Phong Mỹ, Phong Hoà, Phong An, Phong Hiền... tạo đà thúc đẩy đô thị hóa các vùng nông thôn”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đại Vui nhận định cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư mạnh với nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất, thời gian gần đây, mô hình sản xuất lúa theo phương thức liên kết “bốn nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông và doanh nghiệp) ở Phong Điền đem lại thành công. Năm 2015, tổng diện tích gieo trồng lúa toàn huyện đạt 10.400 ha, năng suất bình quân đạt trên 56 tạ/ha, sản lượng lương thực có hạt 58.700 tấn, tăng gấp 2,5 lần so năm 1990. Các mô hình trồng rau màu trên cát ở các xã Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Môn, Điền Hương... mở ra hướng đi mới cho vùng cát nội đồng. Chăn nuôi ở các xã Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong An... được chú trọng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong ngành nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Cho khẳng định, sau 25 năm hình thành và phát triển, đến nay, khu công nghiệp Phong Điền với diện tích 700 ha đã thu hút 5 dự án đầu tư phát triển sản xuất với ngành nghề may mặc, chế biến. Nhiều cơ sở công nghiệp sản xuất có hiệu quả như nhà máy may Scavi Huế; gạch tuynen Công ty 1/5; nhà máy nước khoáng Thanh Tân; nhà máy phân vi sinh Sông Hương… cùng với nhà máy chế biến thủy sản của Công ty cổ phần CP Việt Nam và nhà máy xi măng Đồng Lâm đã tạo phát triển vượt bậc cho ngành công nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.
Trong niềm vui 40 năm giải phóng quê hương, 25 năm tái lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phong Điền quyết tâm tiếp tục phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường; đoàn kết một lòng để đưa Phong Điền phát triển toàn diện, ổn định và bền vững hơn.
Bài, ảnh: Anh Phong
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 516
Chung nhan Tin Nhiem Mang