Nhiều thách thức
Theo xu hướng thế giới, thương mại điện tử tại Việt Nam đang trên đà phát triển, công nghệ thông tin và truyền thông đã và đang tạo ra quá trình thay đổi trong mô hình và tập quán kinh doanh so với phương thức truyền thống. Việt Nam hiện nay có tới 40 triệu người sử dụng Internet (trên 92 triệu dân), trong đó có đến 58% người đã từng mua sắm trực tuyến.
Trong những năm gần đây, ở nước ta đã hình thành các doanh nghiệp chuyên kinh doanh thương mại điện tử. Các doanh nghiệp này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số doanh nghiệp có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Doanh thu thị trường thương mại điện tử trong nước năm 2015 được dự báo sẽ vào khoảng 4 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế trong việc xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để tiến hành quản lý thu đúng, thu đủ tiền thuế phát sinh đối với hoạt động này vào ngân sách nhà nước. Bởi lẽ, các giao dịch thương mại điện tử đều là vô hình có thể trong phạm vi trong nước hoặc ngoài nước. Vì vậy, việc xác định dữ liệu tại nơi phát sinh thu nhập, nơi xử lý và nơi sử dụng cho mục đích tính thuế hay xác định khái niệm về nguồn phát sinh thu nhập, cơ sở thường trú hay đặc điểm thu nhập... gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, phương thức giao dịch người tiêu dùng cá nhân mua trực tiếp từ các nhà cung cấp nước ngoài cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường cạnh tranh, gây ra tình trạng thiếu bình đẳng giữa các nhà cung cấp trong và ngoài nước, không phản ánh được chính xác sự thâm hụt trong cán cân thương mại quốc tế và những rủi ro mà người tiêu dùng có thể gặp phải.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thuế trong lĩnh vực này cũng gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi cán bộ công chức thuế ngoài trình độ nghiệp vụ thuế chuyên sâu còn phải tinh thông tin học, ngoại ngữ và có kiến thức về các giao dịch thương mại điện tử.
Quyết liệt các giải pháp
Trước những khó khăn kể trên, ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực thuế nói riêng đặt quyết tâm siết chặt quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử bằng nhiều giải pháp cụ thể. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch hội tư vấn thuế Việt Nam, ngành thuế cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế hiện hành để phù hợp với sự phát triển, cũng như tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử. Được biết, hiện nay, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính các biện pháp rà soát lại toàn bộ hoạt động thương mại điện tử, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và có cơ chế phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý thuế.
Đồng thời, ngành thuế sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi thông tin, tham khảo kinh nghiệm về quản lý thuế. Bên cạnh đó là trao đổi đầy đủ thông tin với cơ quan thuế các quốc gia, vùng lãnh thổ có các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. Từ đó, nắm bắt thông tin về doanh thu, thu nhập phát sinh của các tổ chức, doanh nghiệp đó tại Việt Nam nhằm xác định nghĩa vụ thuế và ngăn ngừa hành vi gian lận, trốn thuế có thể xảy ra.
Triệt để thực hiện tuyên truyền chính sách pháp luật thuế để các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử nâng cao ý thức trách nhiệm với ngân sách nhà nước. Triển khai rộng rãi đồng bộ dịch vụ khai thuế điện tử với nộp thuế điện tử, hoá đơn điện tử… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thương mại điện tử nói riêng tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ này, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế. Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ công chức thuế chuyên trách, trang bị các kiến thức về thương mại điện tử, kiến thức ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kỹ năng thanh tra, kiểm tra bằng phương pháp máy tính...
Ngoài ra, việc hợp tác giữa ngành Thuế với các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công Thương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an; Ngân hàng Nhà nước cũng như các công ty viễn thông, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng; cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử, đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán qua ngân hàng… cũng cần được chú trọng nhằm xác định các hành vi vi phạm pháp luật thuế và kịp thời có biện pháp xử lý nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế.
N. Ánh