Các chính sách của NHNN đã và đang hướng đến tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông.
Lượng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn. Đến 31/12/2014, chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết cấp tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là 114.837 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 68.675 tỷ đồng.
Với chính sách đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, khuyến khích đầu tư các dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư của Chính phủ và chính sách tín dụng linh hoạt của ngành ngân hàng, dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và các dự án BOT, BT giao thông nói riêng đang thuận lợi và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng tiếp tục đầu tư vốn vào lĩnh vực này. Tính đến 31/3/2015, tổng cam kết cấp tín dụng của Vietinbank tăng 10%, của BIDV tăng 20%, của SHB tăng 30% so với thời điểm 31/12/2014.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, các tổ chức tín dụng còn đầu tư gián tiếp thông qua việc mua trái phiếu chính phủ.
Riêng trong năm 2014, vốn ngân sách nhà nước huy động từ trái phiếu chính phủ là 208.995 tỷ đồng, trong đó lượng trái phiếu chính phủ các tổ chức tín dụng mua chiếm tới 88,5% tổng lượng trái phiếu phát hành chủ yếu để đầu tư hạ tầng giao thông (khoảng 185.000 tỷ đồng).
Cùng đó, từ đầu năm đến 11/6/2015, vốn ngân sách nhà nước huy động từ trái phiếu chính phủ cũng ước đạt 69.988 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm trở lên, trong đó, lượng trái phiếu chính phủ các tổ chức tín dụng mua chiếm tới 82,7% tổng lượng trái phiếu phát hành (khoảng 56.500 tỷ đồng).
Nguồn vốn ngân hàng đã góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án BOT, BT giao thông còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như:
(i) Năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết dẫn đến phải dừng thực hiện dự án;
(ii) Nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu;
(iii) Tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, dẫn tới chi phí lãi vay tăng, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả dự án và khả năng trả nợ;
(iv) Trong quá trình thực hiện dự án bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, cũng như khả năng sắp xếp nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án và trả nợ ngân hàng;
(v) Các dự án BOT, BT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi đó nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ yếu là ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc cho vay dài hạn đối với các dự án hạ tầng giao thông còn gặp các rủi ro liên quan đến chất lượng công trình, nguồn thu phí…
Trong trường hợp doanh thu thực tế không đạt như dự kiến dẫn đến các chủ đầu tư khó khăn về nguồn trả nợ, tổ chức cho vay phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phải tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh.
Do đó, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững theo đúng mục tiêu đã đề ra, giảm thiểu rủi ro trong việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, đặc biệt các dự án có thời gian thu hồi vốn dài, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 15/7/2015 chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.
Theo đó, các tổ chức tín dụng phải: (i) Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng khi xem xét cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông; đặc biệt lưu ý các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng; (ii) Hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng, hạn mức tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông. Đồng thời, kiểm soát thời hạn cho vay, tương ứng với thời hạn huy động vốn, không để xảy ra rủi ro kỳ hạn và thanh khoản; (iii) Lựa chọn, chỉ xem xét cho vay các dự án BOT, BT hiệu quả, khả thi, có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng, các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, đảm bảo có đủ vốn tự có tham gia dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông, các bộ, ngành có liên quan cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, công bố rộng rãi về các dự án cần kêu gọi vốn đầu tư, tình hình triển khai thực hiện, nhu cầu vốn đầu tư... thông qua đó lựa chọn những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng thu xếp đủ vốn tự có để đầu tư dự án.
Thứ hai, tăng cường các biện pháp để tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư dài hạn đặc biệt là ODA, các nguồn tài trợ quốc tế khác.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực hỗ trợ trong việc đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng,... để hoàn thiện cơ sở pháp lý của dự án, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án, thu hút các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án giao thông.
Thứ tư, tăng cường kiểm soát nguồn thu của Dự án, đẩy mạnh triển khai Trạm thu phí không dừng trên cả nước, rà soát giảm thiểu tình trạng có nhiều trạm thu phí trên cùng một tuyến đường, không đảm bảo khoảng cách theo quy định dẫn tới tăng chi phí đầu tư và giá thành vận chuyển hàng hóa. Đẩy mạnh triển khai kết hợp giữa dịch vụ ngân hàng với việc thu phí thông qua thẻ để áp dụng thu phí tại Việt Nam, nhằm kiểm soát tốt hơn nguồn thu thông qua ngân hàng, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của các dự án, rút ngắn thời gian phải vay vốn ngân hàng.
Thứ năm, có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như kéo dài thời gian thu phí trong một số rủi ro khách quan làm tăng tổng mức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng, giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro khi cho vay đối với các dự án.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sát sao về tiến độ, chất lượng công trình để không xảy ra hiện tượng công trình vừa đi vào hoàn thiện đã có hiện tượng bị lún, nứt... để đảm bảo dòng tiền của tổ chức tín dụng được sử dụng đúng mục đích, đúng nhu cầu góp phần tạo ra những công trình có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Theo Thông tin Tài chính