Tổng sản phẩm bình quân đầu người ở Nam Đông hiện đạt 20,5 triệu đồng/năm. Có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 3 xã đang đề nghị tỉnh công nhận xã NTM.
|
Đường sá xanh - sạch - đẹp
|
Sắc diện mới
Kết cấu hạ tầng khang trang là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Từ khi bắt tay xây dựng NTM, lãnh đạo huyện Nam Đông ưu tiên bố trí nguồn lực nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi, các công trình phục vụ dân sinh. Gần 45km đường làng, ngõ xóm trên địa bàn được bê tông, thảm nhựa và 9 cây cầu được xây dựng khang trang. Hơn 13km đường vào trung tâm sản xuất được nâng cấp, xây mới tạo thuận lợi cho người dân đi lại, tiêu thụ sản phẩm. Gần 7km kênh mương, thủy lợi được xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân. Hệ thống nước sạch và các thiết chế văn hóa được đầu tư cơ bản hoàn thiện, khang trang… Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gần 306 tỷ đồng.
Diện tích lúa trên địa bàn huyện tuy ổn định nhưng năng suất và sản lượng ngày càng tăng, bình quân hằng năm trên 50 tạ/ha, cao hơn 5-10 tạ so với 5 năm trở về trước. Các loại cây trồng như xà lách, mướp đắng, mía, bầu, rau màu… được đầu tư thâm canh, gối vụ, nâng cao hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích. Thu nhập bình quân mỗi ha ước đạt gần 40 triệu đồng. Kinh tế vườn được xác định là chủ lực, ngành nông nghiệp từng bước đưa các loại cây mới, giống mới vào sản xuất như cam Sài Gòn, cam Valencia, sầu riêng Ri6, mít nghệ, chuối mốc Thái… Đó chính là điều kiện nâng cao thu nhập bình quân mỗi ha vườn lên 30 triệu/năm.
Các mô hình mới được quan tâm phát triển như nuôi ong mật, lợn rừng lai, bò lai sind, lợn “siêu nạc”… Nuôi cá nước ngọt được người dân mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả, bình quân mỗi ha đạt 75 triệu đồng/năm. Chăn nuôi kết hợp với phát triển ngành nghề, dịch vụ được các ban ngành, người dân ngày càng quan tâm đầu tư. Các dịch vụ thương mại, viễn thông, vận tải… đảm bảo cung ứng nhu cầu sản xuất và đời sống người dân. Tỷ lệ lao động tham gia lĩnh vực dịch vụ chiếm 24,1%, tăng 4,3% so với năm 2010. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ gần 200 tỷ đồng là điều đáng ghi nhận. Công nghiệp chế biến, may công nghiệp, sản xuất đá ốp lát… ổn định và ngày càng phát triển, tổng giá trị đạt 106 tỷ đồng…
Nâng cao thu nhập và đời sống
Năm 2016- 2017, huyện Nam Đông tiếp tục củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng 5 xã đạt chuẩn NTM; xây dựng thêm 2 xã đạt chuẩn NTM; xây dựng 3 xã đạt chuẩn 15 tiêu chí trở lên. Năm 2018-2019, củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng 7 xã đạt chuẩn NTM; xây dựng 1-2 xã đạt chuẩn NTM... Phấn đấu đến năm 2020, huyện Nam Đông được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
|
Chủ tịch UBND huyện Nam Đông - Lê Thị Thu Hương chia sẻ: “Mục tiêu của huyện trong thời gian đến là tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống Nhân dân. Từ nay đến năm 2020 phấn đấu có 8-9 xã đạt chuẩn NTM, xây dựng huyện Nam Đông trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh”. Đạt được mục tiêu này, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng đường đến các vùng sản xuất tập trung ở xã Thượng Lộ dài 4km, đường vào khu sản xuất Cha Lai, Cha Po… dài hơn 10km. Nhiều cây cầu vượt suối, nối các địa phương, đường đến khu A Kỳ, xã Thượng Long… sẽ được đầu tư xây dựng. Các công trình thủy lợi duy tu, bảo dưỡng đảm bảo phục vụ sản xuất, chủ động tưới cho 90% diện tích lúa, hoa màu trên địa bàn.
Chủ trương của huyện trong thời gian đến sẽ tập trung rà soát diện tích cao su kém hiệu quả do đổ gãy, đến thời kỳ tái canh, diện tích keo có tiềm năng sản xuất nông nghiệp, chuyển sang trồng cây ăn quả với diện tích khoảng 300-400 ha. Cây cam được xác định là chủ lực trong việc mở rộng diện tích, gắn với quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu cam Nam Đông và đầu ra sản phẩm. Các giống chuối đặc sản được nhân rộng diện tích 100 ha, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn bò lai sin, mở rộng diện tích trồng cỏ để chăn nuôi thâm canh, nhốt chuồng, gia trại, trang trại. Đề án làm giàu rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ được triển khai đến từng hộ gia đình nhằm mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.