Nguy cơ khó lường
Gần đây, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước rộ lên tình trạng người dân và các chủ trang trại không ngần ngại sử dụng các loại chất cấm trong chăn nuôi lợn, gia cầm.
|
Nhiều trang trại chăn nuôi an toàn được khuyến khích
|
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ý thức được việc sử dụng chất cấm sẽ gây hại rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và thiệt hại trong chăn nuôi. Qua kiểm tra nhiều đợt của Sở Nông nghiệp và PTNT cho thấy, chưa phát hiện người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi lợn, gia cầm. Ông chủ trang trại ở vùng cát Quảng Điền-Ái Hiệp nhận thức: “Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ có lợi trước mắt, còn về lâu dài thì hoàn toàn ngược lại. Người dân có thể thu lãi cao thêm vài trăm ngàn đồng/con lợn khi sử dụng chất cấm, trong một thời gian nhất định. Song, khi người tiêu dùng phát hiện, sẽ quay lưng với sản phẩm thì thiệt hại gấp nhiều lần. Việc người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm đồng nghĩa với ngành chăn nuôi sẽ lao đao”.
Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, hàng rào thuế quan các loại nông sản nhập khẩu sẽ xóa bỏ, các loại thực phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm của Mỹ, Úc… sẽ tràn vào thị trường nội địa gây nhiều áp lực. Nếu việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không được kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay sản phẩm nội địa, chuyển sang sử dụng thực phẩm nhập khẩu an toàn, giá lại rẻ.
Cần giám sát, quản lý chặt chẽ
Theo cơ quan chức năng, thịt lợn có chứa chất tạo nạc, là lớp mỡ nằm giữa lớp da và phần thịt nạc của lợn thường không có hoặc có kết cấu lỏng lẻo.
Mới đây, đoàn liên ngành đã tổ chức kiểm tra nước tiểu, mẫu thịt tại 6 trại chăn nuôi lợn thịt quy mô 100 con đến 1.600 con và sản phẩm thịt lợn tại lò giết mổ tập trung Bãi Dâu. Kết quả kiểm tra bằng test Smark, xét nghiệm 36 mẫu nước tiểu và 2 mẫu thịt lợn đều âm tính với chất cấm trong chăn nuôi.
|
Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Minh Cường khẳng định, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện người dân, các chủ trang trại có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC). Mới đây, ngành nông nghiệp phối hợp với các lực lượng công an, quản lý thị trường, chính quyền địa phương tổ chức lấy 38 mẫu nước tiểu, thịt lợn để xét nghiệm, không phát hiện có dư lượng chất cấm. Tuy nhiên công tác kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cần được triển khai thường xuyên để ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Lo ngại hiện nay là trên địa bàn tỉnh phải nhập khoảng 40% sản phẩm GSGC để tiêu thụ, trong khi đó tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở một số tỉnh đang báo động. Vậy nên, khi nhập GSGC sống, sản phẩm GSGC về cần phải kiểm tra, sàng lọc trước khi đưa đi tiêu thụ.
Công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi GSGC cũng có những khó khăn nhất định. Chỉ cần dùng một thìa chất cấm trộn vào cám cho lợn ăn thì chỉ sau vài tuần, mỗi con lợn có thể lãi vài trăm ngàn đồng. Nếu lơ là trong công tác quản lý, giám sát thì các thương lái, người dân dễ dàng sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi. Vì vậy, trong công tác quản lý, giám sát cần phát hiện và ngăn chặn kịp thời, triệt để những người cung cấp chất cấm. Các hộ chăn nuôi, chủ trang trại cần quản lý, giám sát lẫn nhau, khi phát hiện phải báo đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý để bảo vệ người tiêu dùng và cả chính hộ chăn nuôi.
Các ban ngành kiên quyết xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm trong chăn nuôi, kinh doanh GSGC có sử dụng chất cấm. Người dân khi phát hiện, hoặc nghi ngờ các hộ, cơ sở chăn nuôi, kinh doanh GSGC sử dụng chất cấm cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn.