Quy chế có hướng dẫn cụ thể về công tác văn thư như soạn thảo, ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ hiện hành và giao nộp hồ sơ vào lưu trữ; quản lý và sử dụng con dấu và tổ chức thực hiện. Theo đó, các hình thức văn bản hình thành trong hoạt động của Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: Thông tư, Thông tư liên tịch.
Văn bản hành chính bao gồm: Nghị quyết (cá biệt), quyết định, chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, công văn, báo cáo, tờ trình, biên bản, hợp đồng, công điện, bản ghi nhớ, bản cam kết, bản thoả thuận, giấy chứng nhận, giấy uỷ quyền, giấy giới thiệu, giấy mời, giấy đi đường, giấy nghỉ phép, phiếu trình, phiếu gửi, phiếu chuyển, giấy biên nhận hồ sơ, thư công.
Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính.
Việc soạn thảo văn bản hành chính: Đơn vị và cán bộ, công chức được giao soạn thảo văn bản có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: xác định thể thức, nội dung và độ mật, độ khẩn, nơi nhận của văn bản, nhân bản, làm thủ tục để phát hành văn bản và lưu hồ sơ, thu thập xử lý thông tin có liên quan; soạn thảo văn bản; trình duyệt bản thảo văn bản. Thủ trưởng đơn vị và cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về nội dung, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản trước Lãnh đạo Bộ và trước pháp luật.
Tất cả văn bản đi và văn bản đến của Bộ (hoặc của các đơn vị thuộc Bộ) đều phải đăng ký tại Văn thư của Bộ (hoặc Văn thư của các đơn vị thuộc Bộ). Văn bản đi, văn bản đến ngày nào phải được đăng ký phát hành hoặc chuyển giao trong ngày đó, chậm nhất là vào ngày làm việc tiếp theo, trừ các văn bản khẩn. Văn bản khẩn ngay khi đến phải vào sổ văn thư và chuyển trình Lãnh đạo Bộ xem và chỉ đạo, đồng thời sao chuyển cho đơn vị liên quan xử lý. Văn bản không đóng dấu khẩn nhưng có tính chất quan trọng, cần xử lý gấp thì vào sổ văn thư và luân chuyển theo quy định, đồng thời sao chuyển ngay cho đơn vị có liên quan để xử lý. Văn bản, tài liệu bí mật nhà nước phải được đăng ký quản lý riêng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Văn phòng Bộ (Phòng Hành chính) có trách nhiệm quản lý con dấu của cơ quan Bộ và con dấu của Văn phòng Bộ. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm quản lý con dấu của đơn vị (nếu có). Khi đơn vị có quyết định sáp nhập, hoặc chia tách thành các đơn vị mới, hoặc giải thể thì đơn vị cũ phải nộp con dấu của đơn vị cho Văn phòng Bộ (Phòng Hành chính) từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành. Văn phòng Bộ (Phòng Hành chính) có trách nhiệm thu hồi con dấu cũ và phối hợp với đơn vị mới làm thủ tục xin khắc con dấu mới cho đơn vị. Thủ trưởng đơn vị và cán bộ văn thư được giao quản lý, sử dụng con dấu chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật về việc quản lý và sử dụng con dấu.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Theo www.mof.gov.vn