Cụ thể, từ ngày 1/1/2016, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu đạt mức lương cơ sở. Người hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh tăng 8% (đã thực hiện từ năm 2015).
Từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bảo đảm mức lương của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức hiện hưởng.
Thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2016 từ một phần số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất).
Đồng thời, thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) ngay từ khâu dự toán và giữ lại phần tiết kiệm ở các cấp ngân sách để bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương.
Đối với một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, sau khi thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương như trên mà vẫn thiếu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016, giao Bộ Tài chính thẩm định nhu cầu và nguồn cải cách tiền lương, thông báo số cần bổ sung từ ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện điều chỉnh tiền lương, phụ cấp trong năm 2016; đồng thời tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.