Đóng góp ngày càng lớn đối với nền kinh tế
Những năm qua, khu vực doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò quan trọng trong việc phát huy nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Doanh nghiệp tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm.
Trong giai đoạn 2011 - 2015 và hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân, đã có những đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế của đất nước.
Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2015, khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng góp khoảng 30% ngân sách và khoảng 40% GDP.
Đảng và Chính phủ luôn xác định vai trò là động lực kinh tế của doanh nghiệp tư nhân. Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Dự thảo Văn kiện về kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa ra những tư tưởng rất lớn trong phát triển doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp tư nhân.
Một là, doanh nghiệp tư nhân tạo ra thương hiệu Việt Nam, tạo ra tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ khi nào doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, đủ lớn mạnh mới tạo ra được những thương hiệu Việt và tạo ra tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân phát triển mới đủ sức tiếp thu, hấp thụ được công nghệ cao trên thế giới.
Hai là, doanh nghiệp tư nhân là nơi tạo ra công ăn việc làm lớn nhất cho nền kinh tế. Vì doanh nghiệp tư nhân có số lượng lớn, trải khắp từ thành phố đến nông thôn nên tạo ra kênh giải quyết lao động tốt nhất.
Quan trọng hơn, chính doanh nghiệp tư nhân là nền tảng tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nhờ tính hiệu quả và năng động. Muốn kinh tế Việt Nam cạnh tranh được thì lực lượng doanh nghiệp tư nhân phải mạnh.
Tháo gỡ những rào cản về vốn cho doanh nghiệp tư nhân
Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện nền kinh tế chuyển đổi, để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân luôn là đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế.
Đối với các doanh nghiệp khu vực tư nhân hiện nay, nguồn vốn đã và đang trở thành nhân tố có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với năng lực cạnh tranh và sự phát triển ổn định của họ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân chính là đầu tư đổi mới máy móc, trang thiết bị và quy trình công nghệ... Chính vì thế, cần có các biện pháp tích cực khơi thông các kênh tài chính, giải quyết bài toán thường xuyên đói vốn cho các doanh nghiệp phát triển ổn định.
Thời gian vừa qua, để giúp các doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn vượt qua giai đoạn khó khăn do khủng hoảng tài chính, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất, điều này đã tác động rất tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi về hoạt động vay vốn bằng kênh chính thống với chi phí thấp, hoạt động xuất khẩu của DNKVTN đã được cải thiện hơn phần nào; tình hình tiêu thụ nội địa đã khả quan hơn.
Chính sách hỗ trợ của Chính phủ được hầu hết các doanh nghiệp đánh giá là có tác dụng tích cực trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước; giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất cho đầu tư mới chỉ tập trung vào lĩnh vựcsản xuất và đây không phải là nguồn duy trì được thường xuyên của doanh nghiệp.
Để doanh nghiệp tư nhân phát huy được năng lực, trụ vững trước những khó khăn thách thức của thời kỳ hội nhập thì rất cần những chính sách tháo gỡ các vấn đề về vốn. Đây là vấn đề cốt lõi để tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển và khẳng định vị thế trong cơ chế thị trường.
Trước hết, Chính phủ cần tăng cường hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo nguồn vốn dài hạn, có lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, chuỗi giá trị ngành nông nghiệp; khuyến khích các ngân hàng cung cấp các khoản vay dài hạn cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy hoạt động mua bán, sáp nhập, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn tạo động lực cho phát triển kinh tế tư nhân tất yếu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào các giải pháp cải cách thể chế kinh tế, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giải pháp liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn vay, thành lập doanh nghiệp…
Đối với cải cách thể chế, theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để tạo hành lang pháp lý, Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định về công nghiệp hỗ trợ để tập trung hơn về năng lực cạnh tranh thực chất của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp vừa và lớn thông qua mở rộng thị trường.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình tạo động lực và cơ chế cho doanh nghiệp tư nhân phát triển đó chính là những tác động từ Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư .
Nhưng quan trọng hơn hết là cần có những cơ chế cụ thể hơn cũng như cam kết hành động của Chính phủ, đồng hành của các bộ, ngành và địa phương trong việc thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân.
PV.
Theo Tapchitaichinh.vn